Hậu Giang: Nỗi lo tai nạn lao động

27/02/2023 - 09:32

Dù các ngành, các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn, kiềm chế tai nạn lao động. Tuy nhiên, các vụ việc đáng tiếc vẫn còn xảy ra...

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ sơ cứu nạn nhân bị ngạt khí trong vụ tai nạn lao động xảy ra tại một cây xăng ở phường I, thành phố Vị Thanh mới đây.

Mới đây, tại 1 cửa hàng xăng dầu ở phường I, thành phố Vị Thanh, xảy ra một vụ tai nạn lao động làm 2 người bị thương. Sự việc là khoảng 14 giờ 25 phút, ngày 17-2-2023, anh V.T.T. (sinh năm 1979) là nhân viên cửa hàng xuống bồn chứa xăng có dung tích khoảng 20m3 đặt âm dưới lòng đất để làm vệ sinh. Khi vừa xuống tới đáy bồn xăng, anh V.T.T. lập tức bị bất tỉnh. Thấy vậy, ông N.T.T. (sinh năm 1965) di chuyển xuống bồn để đưa anh V.T.T. lên nhưng cũng bị ngất theo.

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã điều động cán bộ, chiến sĩ công an cùng phương tiện đưa các nạn nhân lên khỏi bồn chứa xăng. Tổ công tác đã thực hiện sơ cứu ban đầu, đồng thời liên lạc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị cấp cứu các nạn nhân. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do ngạt khí, hiện nay sức khỏe của hai nạn nhân đã bình phục.

Không được may mắn như hai lao động trên, ông L.V.N., ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp đã mãi mãi ra đi sau vụ tai nạn lao động. Hôm xảy ra sự việc, ông N. và 2 người cùng địa phương được một người thuê đến tháo dỡ mái tôn, kính cường lực và phá vỡ mặt tiền một căn nhà tại ấp Cầu Xáng, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp. Đến xế chiều khi đã hoàn thành tháo dỡ, ông N. chuẩn bị đi xuống từ máng xối đổ bằng bê tông ở tầng 1 (cách mặt đất khoảng 7m) thì bất ngờ bị trượt chân, mất thăng bằng té từ máng xối xuống sân (có lót gạch), làm ông N. tử vong tại chỗ.

Từ các vụ việc trên, có thể thấy tai nạn lao động luôn rình rập và chẳng ai có thể đoán trước được. Chỉ cần sơ sẩy trong một tích tắc đã phải đánh đổi cả tính mạng và để lại biết bao nỗi đau cho người thân. Trong những năm qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo và kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, tổ chức các lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Kiên quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật lao động.

Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình hình tai nạn lao động vẫn còn xảy ra, để lại nỗi đau cho gia đình và bản thân người lao động, mang đến gánh nặng cho xã hội. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn lao động, có 1 người chết, 7 người bị thương nặng. Đến năm 2022, số vụ tai nạn lao động là 96. Trong đó, có 2 người chết, 20 người bị thương nặng, tổng thiệt hại gần 975 triệu đồng. Những trường hợp bị tai nạn lao động được doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội hỗ trợ một phần chi phí. Tuy nhiên, đối với những lao động tự do, không có hợp đồng lao động, khi xảy ra tai nạn sẽ chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi.

Theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Để ngăn ngừa tình trạng tai nạn lao động cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật để nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong thực hiện Bộ luật lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, các văn bản pháp luật có liên quan, văn bản mới ban hành. Các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động, tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp cải thiện điều kiện lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc…

Cùng với những giải pháp trên để phòng tránh tai nạn lao động, bản thân người lao động cần nâng cao ý thức, tự giác chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và tích cực tuyên truyền người thân, đồng nghiệp cùng thực hiện tốt công tác này. Có như vậy mới bảo đảm được môi trường lao động an toàn, hiệu quả và vấn đề tai nạn lao động không còn là nỗi lo của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội…

Số vụ tai nạn lao động năm 2022 tăng gấp 3 lần so với năm 2021

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn lao động, có 1 người chết, 7 người bị thương nặng. Năm 2022, số vụ tai nạn lao động là 96, trong đó có 2 người chết, 20 người bị thương nặng, tổng thiệt hại gần 975 triệu đồng.

Theo Báo Hậu Giang