Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

13/08/2020 - 08:49

Xác định nông nghiệp là một trong những thế mạnh của huyện, thời gian qua, huyện Cái Bè đã tập trung quy hoạch các tiểu vùng chuyên canh cây ăn trái, cánh đồng lớn và nuôi trồng thủy sản nước ngọt... Với cách làm bài bản, nông nghiệp đã có bước chuyển biến rõ nét, góp phần vào phát triển kinh tế của huyện.

Cây ăn trái là một thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện Cái Bè.

Về Cái Bè trong những ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện đang hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Cái Bè lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chúng tôi mới cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của vùng đất này. Những con đường quê trải nhựa thẳng tắp, xuyên qua những vườn cây ăn trái xanh mướt, những cánh đồng lúa bạt ngàn. Nhiều hộ khấm khá, đổi đời nhờ vào làm nông nghiệp.

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Phạm Văn Thanh cho biết, qua 5 năm thực hiện Chương trình 05 ngày 8-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Chương trình 1), các mục tiêu đề ra cơ bản đều đạt; tiềm năng, thế mạnh của huyện được phát huy.

Huyện đã huy động có hiệu quả các nguồn lực vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, nhiều công trình có tính đột phá, chiến lược được tập trung xây dựng; xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng chí Nguyễn Quốc Thanh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều xã, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Bộ mặt nông thôn nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, xây dựng mới, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện. Đến cuối năm 2020, toàn huyện Cái Bè sẽ có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một trong những kết quả đáng phấn khởi trong thực hiện Chương trình 1 là thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, với bước đầu đã đạt được những kết quả phấn khởi.

Sản xuất đã theo hướng hàng hóa tập trung, thâm canh đa dạng, bền vững, áp dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường và chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Diện tích từng loại cây trồng có sự chuyển đổi khá mạnh, trong đó diện tích cây ăn trái tăng nhanh. Việc áp dụng các mô hình VietGAP được người dân quan tâm hơn; công tác quản lý và phòng, chống các loại dịch bệnh trên cây trồng được chú trọng. Các chính sách hỗ trợ nông dân được thực hiện thường xuyên. Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch.

Đối với sản xuất lúa, huyện Cái Bè đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 12.000 ha ở 11 xã trọng điểm sản xuất lúa của huyện. Mô hình Cánh đồng lớn thực hiện trên địa bàn huyện đến thời điểm này được đánh giá là thuận lợi và đạt được kết quả nhất định, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Có được kết quả đó là do ngành Nông nghiệp huyện đã chú trọng vào 3 mũi nhọn là: Quy hoạch (đầu tư khép kín hệ thống ô đê bao), liên kết (chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư bao tiêu sản phẩm), chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng đến sản xuất theo mô hình “Công nghệ sinh thái”.

Cây ăn trái được xem là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, huyện Cái Bè đã tập trung xây dựng có hiệu quả các vùng chuyên canh cây ăn trái có quy mô lớn. Toàn huyện có 20.435 ha cây lâu năm, tăng 3.635 ha so với nhiệm kỳ trước, đạt 120,2% so với mục tiêu; sản lượng đạt 322,5 ngàn tấn, tăng 17.000 tấn so với nhiệm kỳ trước, đạt 107,5% so mục tiêu đề ra.

Nhằm từng bước hình thành vùng chuyên canh các loại cây ăn trái chủ lực của huyện, năm 2016 huyện Cái Bè đã xây dựng và triển khai Đề án Chuyển đổi giống xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài ra, huyện Cái Bè còn duy trì mô hình sản xuất theo VietGAP đối với sản phẩm xoài cát Hòa Lộc ở Hợp tác xã Hòa Lộc đáp ứng nhu cầu của các đối tác trong liên kết tiêu thụ; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây vú sữa nhằm đảm bảo chất lượng trái cây này xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các thị trường khó tính và tiêu thụ trong nước.

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT, NÂNG CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN

Có thể thấy, tuy còn nhiều khó khăn nhất định, song với quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo huyện, nông nghiệp của huyện Cái Bè trong thời gian qua đã có bước tăng trưởng đáng kể.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh cho biết, huyện tiếp tục xác định nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn. Theo đó, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện. Huyện tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường và chuỗi liên kết sản phẩm. 

Đối với phát triển cây lúa, huyện Cái Bè sẽ tiến hành quy hoạch lại diện tích trồng lúa phù hợp với Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị định 62/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 35/2015 ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Trong đó, huyện chuyển một phần đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản... Đây là giải pháp góp phần nâng thu nhập cho người trồng lúa nhưng vẫn đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch và đảm bảo an ninh lương thực.

Huyện cũng tiếp tục thực hiện mô hình Cánh đồng lớn, nâng cấp hoàn chỉnh các ô đê bao; đồng thời, hướng tới liên kết với các doanh nghiệp trong huyện và nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã trồng lúa.

Còn đối với lĩnh vực cây ăn trái, huyện Cái Bè sẽ tiếp tục duy trì ổn định diện tích xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, phát triển các cây trồng mới có giá trị gia tăng cao góp phần nâng thu nhập cho người dân. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện Dự án Chuỗi giá trị trên cây xoài cát Hòa Lộc, phối hợp thực hiện Đề án Chuỗi giá trị trên cây sầu riêng. Đồng thời, mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xúc tiến thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, vú sữa...

Theo P. CÔNG (Báo Ấp Bắc)