Mô hình sản xuất nếp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của nông dân Nguyễn Văn Quang tại thị trấn Chợ Vàm
Mô hình do ông Nguyễn Văn Quang (ngụ ấp Phú Hiệp) thực hiện trên diện tích 2ha, sử dụng giống nếp đùm 3 tháng với lượng giống sạ 10kg/1.000m2. Ông Quang áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng phân bón.
Theo ông Quang, so với phương pháp canh tác truyền thống, thực hiện mô hình mới sử dụng phân bón sẽ ít hơn, sạ thưa nhưng năng suất vẫn bằng ruộng thường. Giai đoạn đầu sinh trưởng của nếp, ông quan sát thấy sâu bệnh ít nên không cần xịt. Khi nếp từ 40 ngày tuổi trở đi, nếu có sâu rầy mới sử dụng thuốc xử lý, như mùa rồi, không xịt thuốc mà năng suất nếp vẫn khá cao. Thấy nhiều lợi ích nên thời gian tới ông Quang xác định vẫn tiếp tục áp dụng các kỹ thuật theo mô hình đã được hướng dẫn.
Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân tổ chức hội thảo đánh giá về mô hình với sự tham dự của nhiều nông dân trên địa bàn, ghi nhận nhiều nhận xét tích cực. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, cây nếp phát triển tốt, ít xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại, năng suất sau thu hoạch đạt 730kg/1.000m2 và bán được giá 6.200 đồng/kg (nếp tươi), lợi nhuận thu được cao hơn so với cách thức sản xuất truyền thống.
Qua hiệu quả của mô hình này, Trạm Khuyến nông sẽ tập trung hướng nông dân theo sản xuất lúa nếp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo tiêu chuẩn chất lượng của doanh nghiệp (DN), giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức trong sản xuất, tiến tới bỏ thói quen canh tác theo kiểu cũ.
Vụ thu đông vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân còn thực hiện thành công 3 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng nếp tại 3 xã: Phú Bình, Phú Thạnh và Bình Thạnh Đông.
Ông Huỳnh Văn Triết (ngụ ấp Bình Phú 2, xã Phú Bình) chia sẻ: “Với diện tích 1ha sử dụng giống nếp CK92, tôi chỉ sử dụng lượng giống sạ 15kg/1.000m2. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, ruộng nếp thu hoạch đạt năng suất 740kg/1.000m2, trong khi ruộng đối chứng năng suất chỉ đạt 700kg/1.000m2. Về hiệu quả kinh tế, sau khi trừ tất cả chi phí, ruộng mô hình đem lại lợi nhuận 2.639.000 đồng, còn ruộng đối chứng đem lại lợi nhuận 1.962.000 đồng”.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân Lê Thị Huyền Linh cho biết, qua 2 năm thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng của DN ngành hàng lúa, gạo, nhóm chuyên môn của Trạm Khuyến nông nhận được sự đánh giá cao của nông dân về các kỹ thuật ứng dụng trên những cánh đồng nếp. Tiền đề đầu tiên là bà con giảm số lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí lao động.
Ở các xã thực hiện mô hình, nông dân được tổ chức tham quan thực tế, so sánh đối chứng, nhận định hiệu quả cuối vụ về năng suất, lợi nhuận kinh tế, kết quả luôn bằng hoặc cao hơn so ruộng đối chứng sạ dày. Dù chưa mạnh dạn giảm lượng giống xuống còn 10kg/1.000m2 như dự án, nhưng bà con đã có động thái giảm dần số lượng nhỏ, thay đổi từng bước.
Ở góc độ khác, dù hiện nay việc liên kết tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn huyện chưa mạnh, còn những khó khăn nhất định nhưng xu hướng sản xuất ra sản phẩm chất lượng là tất yếu. Do đó, tạo nền tảng cho nông dân quen với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn DN ngay lúc này là cần thiết, khi DN về đặt vấn đề tiêu thụ, nông dân sẽ mạnh dạn tham gia hơn.
Theo Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân Lê Phi Hùng, với các mô hình thí điểm thời gian qua, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên nông dân tiết kiệm được lượng nước tưới, giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Do đó, kết quả thực hiện mô hình cho tín hiệu tích cực, nhìn chung năng suất nếp trong ruộng mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng, trong suốt thời gian sinh trưởng và phát triển ít thấy các đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện.
“Trong xu thế phát triển hội nhập, bà con nông dân nên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng lúa, nếp, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng phục vụ xuất khẩu của DN, có như vậy mới phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững” - ông Hùng nhấn mạnh.
MỸ HẠNH