Những nỗ lực
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc rồi lan ra toàn thế giới, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của An Giang lập tức gặp khó khăn, đình trệ, giá nguyên liệu rơi xuống thấp, đặc biệt là cá tra, xoài, chuối cấy mô…
Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp chủ động phối hợp ngành công thương và các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết bài toán đầu ra nông sản, liên kết doanh nghiệp thu mua để chuyển hướng tiêu thụ nội địa.
Riêng đối với lúa, gạo, ngành hàng vẫn có giá xuất khẩu cao do nhu cầu lương thực thế giới tăng, công tác bảo vệ sản xuất được tăng cường nhằm tận dụng cơ hội bán lúa được giá cao, tăng thu nhập cho nông dân và bù đắp tăng trưởng của các lĩnh vực nông nghiệp khác.
Nông nghiệp tập trung tăng tốc những tháng cuối năm 2020
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dù diện tích xuống giống vụ lúa đông xuân 2019-2020 chỉ đạt 229.4000ha, giảm 4.301ha so vụ đông xuân 2018-2019 nhưng bù lại, năng suất lúa bình quân đạt gần 7,269 tấn/ha (tăng 0,228 tấn/ha) và sản lượng đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng 23.800 tấn so cùng kỳ 2019 (tính luôn 4.796ha của vụ mùa 2019-2020). Đây là vụ lúa đầu tiên sau nhiều năm, nông dân “được mùa, trúng giá” thật sự.
Trên cơ sở đà thắng lợi vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh đã triển khai xuống giống vụ lúa hè thu đạt 231.414ha, cao hơn 6% so kế hoạch (230.000ha). Đến cuối tháng 6-2020, diện tích thu hoạch đạt khoảng 15% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 5,66 tấn/ha. Dù giá lúa đầu vụ có sụt giảm nhưng theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, giá lúa sẽ tiếp tục ổn định ở mức khá do nhu cầu lương thực thế giới vẫn tăng khi mà đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, dịch châu chấu tàn phá mùa màng nghiêm trọng.
Cùng với phát huy lợi thế lúa, gạo, các ngành chuyên môn tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân tái đàn heo theo hướng an toàn sinh học, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức nông trại, gia trại; phát triển đàn gia cầm theo hướng an toàn, quy mô lớn…
Xúc tiến thị trường
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp nên một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh như: cá tra, xoài, chuối, rau quả… tiếp tục bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mặt hàng lúa, gạo tiếp tục thuận lợi do một số nước tăng lượng dự trữ lương thực.
Do vậy, từ nay đến cuối năm 2020, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các huyện, thị, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Trước mắt, Sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi và chỉ đạo sản xuất vụ hè thu và thu đông năm 2020 đạt thắng lợi; phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn nhằm vận động nông dân xuống giống lúa đúng lịch thời vụ, theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh để có dự báo, cảnh báo, giúp nông dân quản lý dịch hại đạt hiệu quả.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, theo kịch bản tăng trưởng đưa ra từ đầu năm 2020 thì vụ lúa thu đông năm nay, toàn tỉnh sẽ thực hiện xả lũ tăng 10.000ha so với năm 2019. Tuy nhiên, trong trường hợp dự báo lũ nhỏ và nhu cầu về sản lượng gạo thế giới tăng như hiện nay, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo tăng và bù đắp một phần cho các ngành hàng bị giảm nhằm ổn định mức tăng trưởng năm 2020 của ngành nông nghiệp.
Dự kiến năm 2020, xả lũ khoảng 19.300ha, tương đương năm 2019. Như vậy, diện tích sản xuất vụ thu đông 2020 có thể từ bằng đến cao hơn năm 2019 khoảng 8.000ha, xuống giống khoảng 157.000-165.000ha (vụ thu đông 2019 xuống giống 157.000ha).
Từ nay đến cuối năm, ngành chuyên môn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tiếp tục tiêm phòng chủ động cho đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh; phục hồi 80% số lượng heo đã bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019. Đồng thời, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
“Nếu tình hình dịch bệnh được khống chế sớm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và một số thị trường khác trở lại bình thường, ngành thủy sản sẽ thúc đẩy hoạt động ương dưỡng, nuôi cá tra, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết và tiêu thụ cá tra theo hình thức chuỗi, liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp để ổn định sản xuất theo kế hoạch của doanh nghiệp chế biến.
Để hạn chế đến mức thấp nhất việc giảm tăng trưởng trong năm, tỉnh khuyến khích các hộ nuôi cá tra tạm thời chuyển sang nuôi một số đối tượng nuôi có tiềm năng trong tiêu thụ nội địa. Đối với doanh nghiệp, đẩy mạnh việc đa dạng hóa, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng để tăng tiêu thụ nội địa và đa dạng mặt hàng xuất khẩu” - ông Lâm gợi ý.
NGÔ CHUẨN