Ở Cà Mau có một người làm thơ tên Khét

28/06/2021 - 09:07

Cà Mau là miền đất cuối cùng của Tổ quốc. Cà Mau có rất nhiều chiếc cầu, có cây bần, cây đước và có những con người khoáng đãng như sông nước nơi này. Tôi đến Cà Mau rất nhiều lần, và chưa gặp Khét ở đó. Chỉ là tình cờ giữa những bài thơ trên báo, tôi ấn tượng với cách làm thơ của anh.

A A

Thơ vốn dĩ hay hoặc dở có thể tùy người đọc, nhưng thơ làm rung động người đọc, đọc đến dòng cuối cùng chắc chắn là thơ hay. Thơ của Khét với tôi là hay ngay lần đầu đọc thơ Khét và đi tìm hiểu Khét là ai mà có bút danh ngộ vậy.

Và chúng tôi quen nhau trên Facebook. Thỉnh thoảng tôi đọc thơ Khét và Khét mới ra tập thơ: “Mình mắc cạn vào nhau”(NXB Hội Nhà Văn 2021).

Đây là tập thơ thứ hai sau “Rồi mình cũng xa lạ nhau” in năm 2018. Và nghe nói, giữa sự nồng nhiệt chào đón của độc giả, khi cuốn “Mình mắc cạn vào nhau” (chỉ in 300 cuốn) đã được mua hết, Khét định in tập thơ thứ ba.

Khét tên thật Trần Đức Tín, sinh năm 1989, sinh ra ở Cà Mau và nay chọn TP Hồ Chí Minh trong cuộc hành trình mưu sinh.

Và dẫu đang ở thành phố rộn rịp ngựa xe ấy, chất thơ của Khét vẫn thấm đẫm tiếng của con nước triều lên xuống, của tiếng con cá lội sông, của câu hò trong buổi chiều loang bóng nắng. Trong năm 2021, anh cũng đoạt 2 giải thơ: Giải khuyến khích cuộc thi Thơ Báo Văn Nghệ và giải Thơ ĐBSCL lần thứ 6.

70 bài thơ cho một tập thơ chỉ 108 trang, có những bài thơ rất dài cho thấy Khét khao khát muốn người đọc đọc thơ mình. Tập thơ chữ nhỏ, ríu rít níu từ trang này sang trang khác, đăng hết khổ giấy và không minh họa.

Nhưng lật tập thơ ra, chỉ là đọc thử vài câu, rồi không thể nào không bị cuốn theo bởi lời thơ ấy. Ai đó nói, thơ hay vốn dĩ không nặng hình thức, mà chính là sự rung động và tài năng của nhà thơ đã truyền qua người đọc.

Khét viết nhiều về mẹ. Mẹ vốn là một đề tài dễ nhưng khó, bởi phải nhuần nhuyễn tình yêu mẹ mới bật ra những câu thơ: “Mẹ lại ru ta bài đồng dao xóm nhỏ/ Mà thênh thang nguồn cội nước non mình”. Hoặc: “Mẹ biết con ăn cay nên món nào mẹ cũng cho ớt/ Dù khi thử mẹ nhăn mặt nhíu mày”.

Cũng chỉ là viết về quê hương, về tình yêu mà sao Khét nhìn tinh tế đến thế: “Cây ổi hồi nhỏ con trồng vừa chín trái đầu tiên/ Em xách cái giỏ không như lòng em trống” (Vọng cổ).

Nếu tinh ý, trong những dòng thơ đầy ngẫu hứng và có chút gì đó ngang tàng của Khét, có dấu ấn của một nhà thơ đã đi xa: Du Tử Lê.

Chỉ là một chút gì đó lãng tử của Du: “Tôi ngồi giữa cõi-tôi-khuya/ Có ai gõ cửa? mà nghe lá chào”. Nhưng Khét là Khét, một Khét với những dòng thơ mới mẻ, một dòng thơ giữa dòng đời trôi dạt: “Hồ hỡi trẻ để bây giờ xa xôi quá/ Giữa lạ lẫm phố phường mà tôi lại bưng biền tôi”. (Bưng biền tôi)

Theo KHUÊ VIỆT TRƯỜNG (Báo Vĩnh Long)