Phất lên nhờ trồng màu trên đất ruộng

24/06/2020 - 14:17

Ở ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh (Long Phú), việc chuyển từ trồng lúa sang trồng màu thành công có thể kể đến anh Nguyễn Thanh Bằng, vì chỉ mới sản xuất màu 4 năm nhưng đã giúp anh vươn lên thành hộ khá giàu tại địa phương.

Anh Nguyễn Thanh Bằng (Long Phú) bên rẫy khổ qua đang giai đoạn thu hoạch. Ảnh: THÚY LIỄU

Có dịp ra thăm rẫy khổ qua của anh Bằng, chúng tôi mới biết để có được giàn khổ qua trĩu quả thì công sức của nông dân là không nhỏ. Bởi trong mùa nắng khô hạn, xung quanh ruộng lúa đất nứt nẻ nhưng rẫy khổ qua của anh vẫn xanh tốt, trái thu hoạch đều đều mỗi ngày từ vài chục đến vài trăm kílôgam. Đi một vòng quanh diện tích trồng khổ qua của gia đình, dừng lại trước hệ thống tưới phun tự động được chính tay anh lắp đặt dành tưới nước cho đám khổ qua chống chọi những tháng hạn, mặn, anh Bằng tâm sự: “Mấy năm nay, việc trồng trọt không còn thuận lợi như trước, bởi nắng hạn kéo dài, kèm theo nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nên lấy nước tưới màu còn khó khăn nói chi đến cây lúa. Chính vì sợ không đủ nước trồng lúa cũng như giá lúa lên xuống thất thường, tôi mới quyết định chuyển 5 công đất ruộng sang trồng rẫy".

Cũng theo lời tâm sự của anh Bằng thì trong những vụ trồng màu đầu tiên, lợi nhuận không đáng kể bởi chưa có kinh nghiệm trồng. Để thu hoạch được rau màu bán trên thị trường thu về lợi nhuận tốt, anh phải đi học hỏi kinh nghiệm tại các hộ trồng trước đó ở một số địa phương khác. "Tôi thường trồng dưa leo và khổ qua, bởi đây là các loại rau màu dễ tiêu thụ trên thị trường. Do vậy, trong năm tôi xuống giống 3 đợt màu, trong đó 1 đợt trồng dưa leo và 2 đợt trồng khổ qua. Với trái dưa leo rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần tưới nước đầy đủ, bổ sung các loại phân bón, thuốc sinh học hợp lý là năng suất trái tốt” - anh Bằng cho biết thêm.

Cái hay của anh Bằng là anh đã chọn trồng dưa theo hướng hữu cơ, mặc dù tự phát triển trồng nhưng anh nghiên cứu tìm tòi phương pháp sản xuất ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm để bán ra thị trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và bản thân anh không bị ảnh hưởng tác hại khi dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Chính vì vậy, để có lượng phân bón hữu cơ dành cho các vụ màu trong năm, anh Bằng tự tay thu mua phân chuồng về nhà tự ủ tưới trên cây màu, liều lượng phù hợp theo từng thời điểm cây dưa leo phát triển. Kèm theo đó anh đưa hệ thống tưới phun nước tự động cho cả diện tích trồng màu nhằm tiết kiệm được lượng nước dùng trong mùa hạn, mặn cũng như đảm bảo lượng nước tưới vừa đủ cho cây. Nhờ đó tiết kiệm thời gian tưới nước, bón phân cho rẫy màu trong mỗi đợt xuống giống, đặc biệt là ứng phó được hạn, mặn.

Theo anh Bằng, khi kết thúc vụ dưa leo, anh sẽ để đất nghỉ ngơi hơn 1 tháng, sau đó sẽ tiếp tục xới đất, rải vôi nhằm tiêu diệt các mầm bệnh có thể phát sinh cho cây khổ qua trong vụ mới và xuống giống cây khổ qua. Thời gian khổ qua cho trái ngắn, chỉ sau 40 ngày trồng đã cho thu hoạch và lượng trái hái trong suốt 1 tháng, cứ bình quân mỗi ngày hái tầm 400kg/5 công. Nhờ bón phân hữu cơ cho dưa leo và khổ qua nên chất lượng trái tốt, thời gian thu hoạch trái kéo dài hơn, thu lợi nhuận cao hơn. Tính toán tổng thu nhập từ trồng màu của gia đình anh Bằng cả trăm triệu đồng/năm. Nhờ màu, anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang có giá trị gần 400 triệu đồng.

Anh Bằng chia sẻ thêm: “Để tạo đầu ra tốt cho trái dưa leo và khổ qua, tôi chọn phương án liên kết bán cho các vựa thu mua nên số lượng sản phẩm sau thu hoạch bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Tới đây, tôi tiếp tục duy trì diện tích trồng màu như trên và thử trồng thêm một số loại màu mới để tạo nguồn thu nhập ổn định tại gia đình…”.

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)