Phòng, chống bạo lực học đường: Đừng để nước tới chân mới nhảy !

15/02/2023 - 09:05

Tình trạng bạo lực học đường hiện vẫn xảy ra trong nhà trường. Bạo lực học đường làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Tăng cường hoạt động rèn luyện, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống được các trường chú trọng, xem đây là một giải pháp để tránh bạo lực học đường.

Bài học đắt giá và xử lý sao cho hiệu quả

Mới đây, tỉnh đã ghi nhận vụ việc 1 nữ sinh lớp 6 đánh bạn, dẫn người ngoài vào trường quay clip phát tán trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc, lo lắng. Theo tìm hiểu, nguyên nhân ban đầu của vụ việc trên là do mâu thuẫn, hiểu lầm cá nhân của các em học sinh, dẫn đến hành vi bạo lực ngay trong trường học, với câu nói lạnh lùng và đơn giản: “không thích thì đánh”.

Vụ việc đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực học đường xảy ra tại tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu Ban Giám hiệu Trường THPT C.D xác minh, xem xét và tùy theo mức độ vi phạm mà tiến hành xử lý những học sinh trong nhà trường có liên quan. Riêng đối với các đối tượng bên ngoài, yêu cầu nhà trường tiếp tục phối hợp với công an địa phương xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu tất cả các trường học trong tỉnh quan tâm, chấn chỉnh tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tăng cường kỹ năng sống… cho học sinh và giáo viên. Phối hợp với gia đình, các đoàn thể trong nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tuyên truyền, giáo dục học sinh không vi phạm nội quy nhà trường, quy định của ngành và đặc biệt là không vi phạm pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng tạm dừng học có thời hạn đối với học sinh Y. sẽ là hình thức kỷ luật cao nhất, phù hợp với học sinh vi phạm nhiều lần và không có chuyển biến, thay đổi sau giáo dục từ nhà trường. Tuy nhiên, đây có phải là giải pháp hiệu quả nhất, khi em vẫn còn nhỏ tuổi (mới chỉ 13 tuổi và học lớp 6) không có ý thức học tập tốt, nghỉ học trong thời gian dài ai sẽ là người quản lý, giáo dục học sinh cá biệt thế nào? Cơ hội học tập của em sẽ còn hay phụ huynh học sinh vì ngại dư luận, vì hết khả năng giáo dục con cái buông lỏng cho con, dừng luôn việc học tập tại nhà trường...

Học sinh vi phạm sẽ ra “trường đời” sớm, liệu với lối sống, cách suy nghĩ bốc đồng, nông cạn các em vi phạm có làm thêm gánh nặng cho xã hội... Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, băn khoăn: “Giờ các em đã bước qua học kỳ II năm học 2022-2023, nếu áp dụng kỷ luật hình thức cao nhất với học sinh vi phạm là buộc 1 năm thôi học, không lẽ các em nghỉ nửa năm học này và nghỉ tiếp nửa năm học tới, như vậy cũng chưa thỏa đáng. Trong khi hiện nay, phụ huynh học sinh vi phạm đã cho con nghỉ học. Nguy cơ bỏ học của em rất cao. Chẳng lẽ vi phạm rồi cho học sinh nghỉ, ai sẽ giáo dục được các em. Chúng tôi đang cân nhắc để đưa ra hình thức xử phạt học sinh, sẽ tùy theo mức độ mà xử lý phù hợp, theo quy định; phối hợp với gia đình, địa phương giáo dục, rèn luyện, quản lý học sinh chặt chẽ hơn. Nhà trường cũng nên xem lại công tác quản lý, giáo viên chủ nhiệm ở trường hợp này, không để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc vậy”.

Nhà trường có trách nhiệm nhưng xin đừng “khoán trắng” cho trường

Ông Trịnh Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Cho con đi học, phụ huynh thường khoán hết cho nhà trường, ít quan tâm, thăm hỏi. Tôi nghĩ cần sớm thay đổi hướng nghĩ này. Học sinh giờ rất dễ bị tác động tâm lý, hành vi nếu không được định hướng, giáo dục tư tưởng, hành vi đúng đắn từ gia đình, nhà trường, giáo viên. Nhất là môi trường mạng xã hội hiện nay, nó như con dao hai lưỡi: sử dụng tốt là nguồn học liệu mở, môi trường giao tiếp đa dạng để các em rèn kỹ năng sống, nhưng cũng vừa dễ để học sinh học theo cái xấu”.

Để hỗ trợ rèn kỹ năng, đạo đức cho học sinh, cùng với việc phát huy tổ tâm lý học đường, câu lạc bộ pháp luật nhà trường, Trường THCS Phan Văn Trị đã chỉ đạo giáo viên trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh quan tâm, thấu hiểu, lắng nghe những thay đổi, diễn biến trong tâm tư tình cảm của các em. Từ những sự hỗ trợ, giáo dục nhân cách, đạo đức học sinh qua những hoạt động trải nghiệm phù hợp, có hiệu quả, thiết thực, thời gian qua Trường THCS Phan Văn Trị được xem là một trong những điểm sáng về gương người tốt - việc tốt, điển hình trong hành động nhặt được của rơi trả người bị mất của học sinh trường… được UBND tỉnh tặng bằng khen đột xuất. 

Nhà trường, gia đình và cộng đồng đều phải có trách nhiệm. Xác định rõ giải pháp này, nhiều trường học trong địa bàn tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều cách làm hay, hiệu quả, phù hợp để tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Trúc Phương, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Ngã Bảy, bộc bạch: “Mỗi năm, trường đều tổ chức cho đội viên tham gia các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống thiết thực thông qua câu lạc bộ người tốt, việc tốt, tham quan các khu di tích lịch sử, chăm sóc người già neo đơn, nuôi heo đất giúp bạn khó khăn… Tôi thấy mừng vì từ những hoạt động, chuyến tham quan học sinh năng động hơn, tăng cường rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng học tập, giao tiếp, thuyết trình, lắng nghe, quan sát và giải quyết tình huống...”.

Còn bà Võ Thị Mỹ Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, cho biết: “Trường thực hiện cách làm “Mỗi tuần 1 câu chuyện tử tế” bằng hình thức sân khấu hóa trong tiết sinh hoạt dưới cờ để nhân rộng những hình ảnh đẹp, việc làm ý nghĩa trong cuộc sống đến từng học sinh… Để ngăn ngừa tình trạng tội phạm xã hội ngày càng trẻ hóa, cùng với việc đẩy mạnh dạy văn hóa kết hợp dạy kỹ năng sống, nhà trường phối hợp với Đoàn khoa Kinh tế - Luật Trường Đại học Trà Vinh tổ chức áp dụng và duy trì thực hiện mô hình “Phiên tòa giả định” ngay tại trường hàng năm, để học sinh được tận mắt chứng kiến một buổi xử án tại tòa. Vi phạm thì học sinh phải chịu trách nhiệm và các hình thức xử lý, giáo dục của pháp luật như thế nào để có ý thức, tránh lỗi vi phạm. Nhờ đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học được đẩy mạnh”.

Trong hành trình rèn luyện nhân cách, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, phụ huynh không thể “khoán trắng” cho trường học, thầy cô giáo mà cần phải có sự chung tay, quan tâm, cùng trách nhiệm với nhà trường, cộng đồng. Đây là cả một quá trình đầy khó khăn để giáo dục, vun bồi cho học sinh hoàn thiện nhân cách, trở thành người có ích cho xã hội.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: “Chúng tôi xử lý vi phạm học sinh là để giáo dục, răn đe, hỗ trợ, tạo điều kiện để các em thấy lỗi sai của bản thân để khắc phục, phấn đấu, sửa đổi để hoàn thiện bản thân, học tập tốt… trở thành người có ích cho xã hội. Không nên buông lỏng mà cần có giải pháp phù hợp để uốn nắn các em. Tôi mong nhà trường, gia đình và cộng đồng đều phải có trách nhiệm, chung tay vì các em”.

Rèn luyện, uốn nắn, chấn chỉnh giáo dục đạo đức học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tăng cường, linh hoạt các hình thức phổ biến pháp luật, tạo sân chơi rèn luyện kỹ năng sống thực tế trong học sinh… đang là yêu cầu cấp bách trước nguy cơ bạo lực học đường có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Không để nước đến chân mới nhảy, không để xảy ra bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội rồi mới bắt tay vào chấn chỉnh!

Theo Thông tư số 32/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Báo Hậu Giang