Huyện Vị Thủy khai thác tốt lợi thế nông nghiệp.
Đột phá trong sản xuất
Ngoài tập trung chỉ đạo phát triển thế mạnh về cây lúa, cây ăn trái, huyện Vị Thủy đang triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm. Nhằm xây dựng thương hiệu và tăng giá trị hàng hóa nông sản, huyện đã hỗ trợ Hợp tác xã Tân Long hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm gạo sạch Vị Thủy theo tiêu chuẩn OCOP. Đồng thời họp hội đồng đánh giá, phân hạng gạo sạch Vị Thủy của Hợp tác xã Tân Long, xã Vĩnh Tường, kết quả được công nhận đạt 4 sao. Huyện đang chọn thêm một số sản phẩm tiềm năng để xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản cũng như phát huy tối đa hiệu quả của loại hình kinh tế hợp tác trên địa bàn.
Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Ngành nông nghiệp huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, gắn với nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2019 và 2020, thực hiện chuyển đổi cây trồng theo đúng định hướng. Trong thủy sản, địa phương tập trung phát triển con lươn và hiện có khoảng 4.000m2 thả nuôi, sản lượng đạt 28 tấn/năm, tập trung ở xã Vị Thủy, Vĩnh Thuận Tây, Vị Thắng. Ngoài ra, còn có 13 hộ nuôi lươn giống với diện tích khoảng 9.000m2.
Trong năm 2020, một số hợp tác xã được thụ hưởng từ các chương trình của Trung ương và tỉnh triển khai. Địa phương đang tiếp tục rà soát, chọn lọc các tổ chức đủ điều kiện để thành lập mới một số hợp tác xã theo kế hoạch. Toàn huyện có 23 hợp tác xã, trong đó 21 hợp tác xã nông nghiệp và 2 hợp tác xã phi nông nghiệp. 44 tổ hợp tác; 1 làng nghề truyền thống trồng trầu tại ấp 5, xã Vị Thủy và 1 làng nghề đan đát tại ấp 10, xã Vị Thắng.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay: Huyện Vị Thủy có 2 làng nghề được công nhận là trồng trầu và đan đát. Ngoài ra, mới công nhận 1 sản phẩm gạo sạch đạt chuẩn 4 sao. Huyện cũng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch như gạo sạch, dưa hấu VietGAP. Nhìn chung, Vị Thủy có sự quan tâm đối với dự án VnSAT trong quá trình triển khai; các hợp tác xã trên địa bàn hoạt động hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra. Tuy nhiên, đối với các chỉ tiêu tăng trưởng khu vực I, huyện cần tập trung 3 lĩnh vực còn đạt thấp là diện tích rau màu, tổng đàn gia súc, diện tích thủy sản.
Phát triển toàn diện
Ngoài tập trung xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, các mặt công tác khác được Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo điều hành. Đối với 17 chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, đến nay đã thực hiện đạt 5 chỉ tiêu, 6 chỉ tiêu đạt 70-97%, 6 chỉ tiêu cuối năm mới xét. Trong quý III, một số chỉ tiêu nhiệm vụ thực hiện còn chậm so với kế hoạch, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến phát triển kinh tế của địa phương. Việc tuyên truyền vận động người dân cài đặt ứng dụng Bluezone thấp, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế còn chậm và thấp so với kế hoạch. Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tệ nạn xã hội tăng cao so với cùng kỳ; công tác kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn còn hạn chế, chưa tranh thủ được nguồn lực bên ngoài.
Một số chỉ tiêu được thực hiện tương đối tốt như tổng thu ngân sách đạt 84,23% chỉ tiêu nghị quyết, trong đó thu nội địa đạt 74,53%, tăng 11,63% so với cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công ước đến ngày 30-9 đạt 90% kế hoạch. Phát huy lợi thế, triển khai hiệu quả cánh đồng lớn; dự án sản xuất lúa thông minh. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về xây dựng, 9 tháng qua không có trường hợp xây dựng không phép và trái phép. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Huyện đã triển khai thực hiện các biện pháp kịp thời, nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, nhất là khâu rà soát, cách ly đối với người nước ngoài, Việt kiều, số người đi từ các vùng dịch trở về địa bàn. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, đào tạo nghề được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời và đạt hiệu quả. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Vui khẳng định huyện quyết tâm và sẽ hoàn thành 100% chỉ tiêu nghị quyết năm 2020. Xác định nông nghiệp là lợi thế, huyện đang tập trung phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là thương hiệu gạo, xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP.
Trong buổi làm việc với huyện Vị Thủy mới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị Huyện ủy Vị Thủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu và phấn đấu sớm hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết năm 2020. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Quyết liệt hơn nữa trong công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trên địa bàn, lưu ý việc hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các dự án phải đảm bảo nắm chắc, hiểu rõ các quy định để tránh việc lãng phí nguồn lực của nhà đầu tư. Tập trung hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn là bến xe Vị Thanh và dự án Trung tâm sát hạch lái xe tỉnh Hậu Giang, dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện áp mái phấn đấu khởi công trong năm 2020. Quan tâm phát triển các chợ, trung tâm thương mại hiện hữu gắn với các đô thị dọc các tuyến giao thông quan trọng.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện Vị Thủy chủ động, sáng tạo hơn nữa trong khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện tiếp giáp thành phố Vị Thanh, có các tuyến giao thông quan trọng đi qua để phát triển kinh tế địa phương nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Quan tâm hơn nữa để phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả như các dự án trang trại nông nghiệp, kết hợp điện mặt trời; nuôi lươn; ba ba; cua đinh; sản xuất lúa thông minh... Cuối năm 2020 phải phát triển được ít nhất 2 mô hình nông nghiệp hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả các đề án trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai các đề án nâng cao chất lượng hợp tác xã; lựa chọn từ 3-5 hợp tác xã có tiềm năng để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển sau đó nhân rộng. Phấn đấu mỗi năm có 3 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó ưu tiên đầu tư cho sản phẩm gạo. Ban Thường vụ Huyện ủy Vị Thủy chỉ đạo ưu tiên nguồn lực phát triển sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và thương mại hoá các sản phẩm từ cây lúa, đây là sản phẩm huyện có thế mạnh và thương hiệu từ lâu. Quan tâm phát triển du lịch, tạo các sản phẩm du lịch mới; khai thác những điểm du lịch hiện có trên địa bàn như Khu du lịch Việt - Úc, Thiền viện Trúc Lâm, làng trầu Vị Thủy… Đặc biệt là quan tâm chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Theo KỲ ANH (Báo Hậu Giang)