Tâm tình người cận vệ

24/08/2022 - 09:52

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt (1959-1975), để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Bí thư Sài Gòn - Gia Ðịnh, Bí thư T3…, Văn phòng Khu uỷ đã thành lập Ðội cận vệ (bảo vệ). Sau ngày đất nước thống nhất, Ðội được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt tên là Ðội cận vệ A6.

A A

Dù nay tuổi đã cao, nhưng ký ức về thời hào hùng theo chân bác Kiệt từ miền Tây lên phụ trách Khu uỷ Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh cho đến năm 1975 mãi còn trong ký ức của những chiến sĩ A6 kiên trung.

Ðội A6, luôn sát cánh với Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Gia Ðịnh, Bí thư T3, họ gần như đã đi hầu hết các chiến trường Nam Bộ: từ R (Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh) xuống T4 (Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh) qua miền Ðông, rồi xuống T3 (Tây Nam Bộ), sau đó quay về R và tiến về Sài Gòn.

“Khi tham gia công tác, hầu hết chúng tôi đều rất trẻ, có người mới 16 tuổi, nhưng rất hăm hở”, ông Trần Quốc Anh, nguyên cán bộ A6 giai đoạn 1962-1975, năm nay đã ngoài 80 tuổi, sinh sống ở Phường 5, TP Cà Mau, nhớ lại.

Vốn dĩ người gốc miền Trung (Ðà Nẵng), năm 1959, vì hoàn cảnh gia đình, ông Quốc Anh cùng gia đình vào Sài Gòn. “Vào Sài Gòn, tôi ở nhờ nhà của người bà con là bác Sáu Hoa - Phạm Văn Hoa (nay nhà ở đường Nơ Trang Long, Phường 11, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Mãi sau này (năm 1967) khi bác Sáu Hoa giới thiệu tôi tham gia công tác ở lực lượng Khu uỷ Sài Gòn - Gia Ðịnh, tôi mới biết căn nhà bác Sáu Hoa là cơ sở mật, từng nuôi chứa, che chở và tạo điều kiện hoạt động cho các đồng chí: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt”, ông Trần Quốc Anh nhớ lại.

Khi vào công tác ở Khu uỷ Sài Gòn - Gia Ðịnh, ông Trần Quốc Anh làm cán bộ văn phòng, phụ trách tài chính và kết nối với gia đình bác Sáu Hoa để đảm bảo an toàn cho các hoạt động Khu.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngoài tên gọi được người dân kính nể, còn có các bí danh đi vào lòng người: Chín Dũng, Tám Thuận, Sáu Dân. Ông Trần Quốc Anh nhớ như in: “Tôi biết chú Sáu Dân ở Sài Gòn hồi năm 1963, năm 1967 tôi vào Cứ Sài Gòn - Gia Ðịnh (ở Dầu Tiếng, Tây Ninh) để công tác ở Ðội Bảo vệ (sau này có tên A6) được tập thể giao nhiệm vụ chăm sóc chú Sáu Dân. Khi vào đến cứ, được gặp chú, tôi vui mừng không thể tả”.

Cũng đã bước sang tuổi 70, nhưng mỗi khi nhắc đến giai đoạn 1969-1975 tham gia đội cận vệ A6, bà Lê Thị Hà Nương, nay cư ngụ Phường 8, TP Vĩnh Long, vẫn nhớ rõ: “Cuối tháng 7/1969, tôi 16 tuổi, được ba dắt đến cứ của cơ quan an ninh. Ba tôi, lúc đó là Phó ban An ninh của huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), giới thiệu tôi với các chú, bác thuộc một đơn vị khác. Tôi chỉ biết ba gửi vào công tác đó là một đơn vị thuộc R (Trung ương Cục miền Nam), và khi bắt tay vào công tác, tôi mới biết đó là đơn vị bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt”.

 Bà Lê Thị Hà Nương (phải) cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần họp mặt Văn phòng Khu uỷ lần thứ nhất (Ảnh do bà Lê Thị Hà Nương cung cấp)

Nhắc về người đồng đội Hà Nương, ông Trần Quốc Anh cười khà: “Ðó là cô đồng đội nhỏ tuổi nhất, nhì của đơn vị thời điểm năm 1969-1970. Cô ấy được huấn luyện, học tập làm y tá rồi sau này trở thành bác sĩ”.

Không giấu niềm xúc cảm khi nhắc về quá khứ hào hùng, bà Nương trần tình: “Dù thân gái, nhưng ngày ngày vẫn theo các anh, các chú hành quân qua nhiều vùng đất lạ. Dần quen với cơm vắt, muối tiêu, băng sông, lội ruộng… Nhiều lúc nhớ mẹ, nhưng chỉ lén lau vội nước mắt. 6 năm cùng A6 (1969-1975), tôi đi khắp đồng bằng châu thổ. Lắm khi mẹ ở quê nhớ con thì lặn lội giang đò, chèo xuồng tận Cà Mau để thăm. Mỗi chuyến thăm, mẹ ra về tôi lại ngồi nhớ, rồi khóc”.

Ngoài những kỷ niệm của một thời hiên ngang, anh dũng cùng đồng đội A6, bà Nương còn có một kỷ niệm sâu sắc hơn nữa, đó là mối tình với người đồng đội - ông Nguyễn Hoàng Việt, quê ở Trà Vinh, từng là Tiểu đội trưởng của A6 giai đoạn 1969-1975. Và mãi sau này, khi đất nước hoà bình, hai người kết hôn và chung sống vui vầy bên mái ấm gia đình ở TP Vĩnh Long.

Nhắc về những kỷ niệm “khắc cốt ghi tâm” với chú Sáu Dân, ông Trần Quốc Anh nghẹn ngào: “Có lần hành quân phục vụ cho tiến công, tôi phụ trách đeo máy truyền tin. Nhưng hành quân đêm, không thuộc đường, bị lạc đơn vị. Khi tìm gặp, chú Sáu Dân không những không rầy mà còn động viên. Khi tôi bị bệnh ở Bến Tre, chính chú Sáu đã chỉ đạo đưa tôi về Sài Gòn chữa trị vì nơi ấy có đủ điều kiện. Sau khi khoẻ lại, chú Sáu đã cho đón tôi về T3 ở Cây Tàng, xã Quách Văn Phẩm, huyện Ðầm Dơi, cơ quan Khu uỷ đang đóng ở đó (nay thuộc xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Tôi về nhận nhiệm vụ Trưởng ban Hậu cần của đơn vị”.

Khề khà lục lại trí nhớ của tuổi già, ông Quốc Anh kể tiếp: “Và một lần “bị” chú Sáu rầy khiến trong lòng áy náy. Ðó là thời điểm Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng (lúc 9 giờ 30 ngày 30/4/1975), chú Sáu kêu tôi và anh Tư Nhơn vào ngay Sài Gòn rồi nhờ người lái xe rước anh em, bởi tôi hiểu địa bàn thành phố.

Ông Trần Quốc Anh, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn vẹn nguyên những ký ức về vị lãnh đạo gần gũi Võ Văn Kiệt. Ảnh: PHONG PHÚ

Chúng tôi đến xa lộ Ðại Hàn, gặp chiếc xe của địch bỏ lại nhưng không có ai lái, tôi nhờ hai anh xe honda ôm chạy chiếc xe của địch chở anh em về trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong), nơi tập kết của các cơ quan Thành uỷ TP Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ðến nơi, hai anh tài xế từ giã. Khi nghe tôi báo cáo, chú Sáu hỏi: “Mày có trả tiền cho hai anh lái xe không? Tôi trả lời: “Dạ không có”. Chú Sáu nhìn tôi: “Phải trả tiền công cho người ta mới được, tội nghiệp, họ làm thuê cực khổ lắm”. Sự việc này tuy không lớn nhưng lắng đọng trong tôi bài học đối xử với người nghèo của chú. Dù hoàn cảnh nào, chú vẫn quan tâm đến đời sống người dân, nhất là người lao động nghèo".

Thời gian quân quản ở Sài Gòn, cơ quan chúng tôi phải di chuyển đến nhiều nơi ở mới. Cứ mỗi lần dời cơ quan, chú Sáu lại dặn không được lấy theo bất cứ thứ gì, kể cả dụng cụ nấu nướng, mà phải bàn giao đầy đủ, nguyên vẹn cho đơn vị mới”.

Những người đồng chí, đồng đội A6 năm xưa giờ đều là bậc cao niên. Họ sinh sống, công tác, lập nghiệp ở nhiều tỉnh, thành. Riêng ông Trần Quốc Anh sau này (năm 1980) xin phép đơn vị được về lập nghiệp và xây dựng tổ ấm ở Cà Mau cho đến ngày nay.

Cuộc hành quân ngàn ngày của A6 khắp miền Tây, Ðông Nam Bộ không những xây dựng hoàn thành trên dưới 60 căn cứ liên hoàn ở Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, Mỹ Tho, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, mà đơn vị còn xây thành công biết bao căn cứ ở lòng dân! Riêng mảnh đất Cà Mau, theo dấu chân chú Sáu Dân và Ðội A6, có cả thảy 3 căn cứ ở Ðầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh, trong khoảng thời gian từ 1970-1973.

Những người chiến sĩ A6 năm xưa, nay có dịp về vùng đất Cà Mau yêu dấu, ai nấy đều chầm chậm lại để nhớ, để tìm những chứng nhân, những dòng kênh, bờ đập. Riêng người chiến sĩ từng trải, nhiều năm gắn bó cùng đơn vị và chú Sáu Dân như ông Trần Quốc Anh vẫn vẹn nguyên một lòng kính mến: “Cái sâu thẳm nhất ở chú Sáu là lo cho dân nghèo, lúc nào, ở đâu chú Sáu cũng nhắc. Hay tin chú Sáu qua đời, tôi đến dự lễ tang mà không cầm được nước mắt”./.

Theo PHONG PHÚ - TRÚC THI (Báo Cà Mau)