Trà Vinh: Ngành y tế đẩy mạnh chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe người dân

28/02/2023 - 08:30

Chuyển đổi số là xu hướng chung hiện nay và ngành y tế cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số trong ngành y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.

Diễn tập ứng dụng hệ thống chẩn đoán từ xa (Telemedicine) tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cầu Ngang. Ảnh: PKD

Việc chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh thực hiện, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đến nay, có 23/100 cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện.

Bên cạnh, có 03/100 cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng hình thức phát hành thẻ khám chữa bệnh, máy quẹt thẻ ATM, 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai hóa đơn điện tử. Các trạm y tế đều được trang bị máy vi tính phục vụ hoạt động và triển khai phần mềm quản lý 18 chương trình y tế.

Đặc biệt, ứng dụng chuyển đổi số chuyên sâu hơn trong khám, điều trị, ngành y tế trong tỉnh đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, trong đó một số hệ thống cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: hệ thống trục tích hợp dữ liệu, hệ thống chẩn đoán từ xa (Telemedicine) theo quy mô đầu tư thí điểm 02 bệnh viện (Bệnh viện Sản - Nhi Trà Vinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang), hệ thống quản lý y tế cơ sở đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chờ thời gian đánh giá, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đã lựa chọn được nhà thầu cung cấp và đang vận hành.

Trong đó, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử do Bộ Y tế quy định. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử được theo dõi và lưu trữ suốt đời, cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hồ sơ sức khỏe điện tử được bảo mật, chỉ có những người có liên quan được tiếp cận thông tin, người dân có quyền quyết định chia sẻ hay không chia sẻ các thông tin cá nhân trong hồ sơ sức khỏe.

Có được hồ sơ sức khỏe điện tử, mỗi người biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe. Cung cấp thông tin sức khỏe bản thân cho các cơ sở khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn đầu mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Từ hồ sơ sức khỏe điện tử, các cơ sở khám, chữa bệnh có thể tra cứu thông tin lịch sử sức khỏe người dân đến khám chữa bệnh khi được phép theo quy định. Sau mỗi đợt điều trị, cơ sở khám chữa bệnh cập nhật thông tin khám, chữa bệnh của bệnh nhân vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Từ đó, giúp ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, kịp thời và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Hệ thống chẩn đoán từ xa đang được đầu tư thí điểm là “cánh tay nối dài” của hệ thống y tế, phát huy hiệu quả cao nhất việc chăm lo sức khỏe Nhân dân. Đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hệ thống giúp hội chẩn trực tuyến giữa các bác sĩ với nhau, giữa bệnh viện với bệnh viện, bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện. Từ đó, giảm tải số lượng bệnh nhân đến các bệnh viện ở tuyến trên, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, giảm chi phí đi lại cho người dân…

Ứng dụng chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống y tế hiện nay, góp phần giảm tải áp lực lên các hệ thống y tế, dẫn đến sự thay đổi tích cực trong công tác khám, chữa bệnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Theo Báo Trà Vinh