Trà Vinh: Ứng dụng công nghệ số trong giáo dục

09/03/2023 - 10:17

Hòa cùng xu thế chuyển đổi số, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Trà Vinh đã và đang ứng dụng hiệu quả công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Minh chứng là ngành đạt được nhiều kết quả nổi bật về hoạt động số hóa tài liệu, xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp bài giảng trực tiếp và trực tuyến tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh sử dụng máy vi tính để tra cứu tài liệu tại Trung tâm học liệu. 

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tiến tới nền kinh tế tri thức là yêu cầu cấp thiết được cả hệ thống chính trị quan tâm. Bám sát theo chương trình, Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 26/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó ngành GD-ĐT Trà Vinh không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh công tác triển khai các nền tảng số hỗ trợ dạy và học từ xa; ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.

Toàn tỉnh hiện có 431 cơ sở giáo dục, trong đó, Sở GD-ĐT quản lý 426 đơn vị; tỉnh có hơn 6.770 lớp với hơn 214.400 học sinh; cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành có hơn 14.300 người. Năm học 2021 - 2022 với nhiều khó khăn đối với ngành GD-ĐT về chuyển đổi công nghệ số trong quản lý thích ứng với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy việc dạy và học gặp nhiều thách thức nhưng chính bằng tình yêu nghề, sự sáng tạo và nhiệt tâm các thầy, cô giáo đã vượt qua khó khăn để cống hiến tâm sức, trí lực cho sự nghiệp “trồng người”. Ngành đã triển khai hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và các nền tảng mạng xã hội nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thực hiện mục tiêu kép - đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Em Tăng Hoàng Trọng, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành chia sẻ: không chỉ riêng em mà các bạn cũng thấy được việc tích hợp công nghệ đem lại rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như đến lớp thầy cô sẽ xây dựng bài giảng điện tử, có hình ảnh phong phú và khi đó chúng em thấy hứng thú và hiểu bài tốt hơn, ngoài ra còn tiết kiệm thời gian, thay vì thầy cô viết lên bảng thì bây giờ thầy cô có thể trình chiếu trực tiếp nên em nghĩ việc tích hợp công nghệ vào quá trình dạy và học tại trường rất bổ ích.

Trà Vinh có 100% Trường THPT triển khai phần mềm thư viện điện tử; phần mềm quản lý trường học VnEdu. Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học đã đem lại hiệu quả khả thi. Điển hình là công nghệ dịch vụ lưu trữ đám mây trong thực hiện ký duyệt hồ sơ, sổ sách, kế hoạch bài dạy trực tuyến. Đây thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ trong giáo dục; giúp nhà trường tiết kiệm chi phí in ấn hồ sơ, hoạt động quản lý, xét duyệt giáo án thuận tiện mọi lúc mọi nơi thông qua thiết bị thông minh.

Thầy Nguyễn Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành cho biết: Trường triển khai nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động triển khai đến toàn thể giáo viên, học sinh; triển khai ứng dụng trong quản trị nhà trường thông qua các phần mềm như: thời khóa biểu, quản lý thư viện, tài chính, qua đó nhà trường chỉ đạo cho giáo viên bộ môn tin học nghiên cứu tìm giải pháp để giảm công sức của thầy cô để tập trung cho việc nghiên cứu giảng dạy có hiệu quả. Một trong những giải pháp chúng tôi thấy có hiệu quả ngay thời điểm này đó là triển khai kế hoạch duyệt hồ sơ, kế hoạch giảng dạy qua online.

Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, tiến tới số hóa trường học, ngành GD-ĐT tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị viễn thông hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Trường Thực hành Sư phạm là một trong những trường tiên phong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực thu phí không sử dụng tiền mặt với nhiều giải pháp linh hoạt. Nhờ vậy, tiết kiệm được thời gian do không cần đối soát, kiểm tra tiền học phí của học sinh… Tất cả đều được thực hiện tự động, giảm rủi ro phát sinh khi giao dịch tiền mặt.

Thầy Lê Phong Dũ, Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm cho biết: hàng tháng, việc thu tiền các hoạt động dịch vụ trong nhà trường đều không dùng tiền mặt, có trên 99% các hoạt động thu không dùng tiền mặt và trên 96% phụ huynh sử dụng thành thạo các công cụ không dùng tiền mặt được triển khai trong nhà trường. Trong công tác giảng dạy, năm học vừa qua, trường đã triển khai đồng loạt các hoạt động dạy học trực tuyến, đây là thời điểm trường triển khai mạnh mẽ, hiện tất cả giáo viên trong trường đều sử dụng thành thạo; trường đã trang bị ti-vi, đường truyền kết nối internet cho tất cả các phòng học để dạy học.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: chuyển đổi công nghệ trong quản lý giáo dục mang lại nhiều lợi ích thiết thực; nâng cao nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và toàn xã hội về các nội dung của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nhất là cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ từ năm học 2022 - 2023 và những năm học tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế của ngành, mỗi cơ sở giáo dục đồng bộ với kế hoạch chuyển đổi số của toàn tỉnh.

Ứng dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, xây dựng hạ tầng số cho ngành giáo dục theo hướng hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và quản trị nhà trường. Hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt và hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục và được học tập, nâng cao trình độ liên tục, suốt đời. Cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh từng bước hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của ngành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số của toàn tỉnh.

Về quản trị nhà trường, 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; trong đó, 100% người học, nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc; 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ GD-ĐT và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoặc mức độ 3 nếu không phát sinh thanh toán). Duy trì tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt 100%.

Để giữ vững và phát triển giáo dục toàn diện, ngành GD - ĐT Trà Vinh không ngừng nỗ lực, vượt khó, sáng tạo; đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học trên nền tảng công nghệ số theo hướng phát triển năng lực cho học sinh; tận tâm, tận lực trên hành trình “dạy chữ, dạy người, nâng cao dân trí”, đào tạo nhiều thế hệ vừa hồng vừa chuyên cho quê hương Trà Vinh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.  

Theo Báo Trà Vinh