Bên nồi cháo trắng

11/12/2020 - 08:40

 - Tôi biết đến Long Xuyên (An Giang) khoảng 20 năm về trước, khi đang là một đứa trẻ theo chân cha đi nuôi mẹ bệnh. Nhiều ngày liền, khung cảnh quen thuộc nhất trong tôi là khuôn viên bệnh viện, là con đường từ bệnh viện đến chỗ bán cháo trắng ở chợ. Lúc ấy, mùi thơm nhẹ của lá dứa nhắc tôi nhớ vóc dáng ốm yếu của mẹ, đôi mắt vằn đỏ đầy lo lắng của cha. Mãi về sau này, món ăn lại nhắc tôi hương vị của bùi ngùi, khi mẹ đã khỏe lên, còn cha vắng bóng…

Mẹ tôi vẫn còn giữ sở thích ăn cháo trắng của Long Xuyên. Món cháo này khó tìm ở nơi nào khác. Gọi chung là cháo trắng, nhưng chúng không hẳn là cháo trắng, mà chia thành 2 loại: cháo lá dứa và cháo đậu. Gạo thơm được vo thật kỹ, đến khi nước vo gạo không còn đục nữa mới thôi. Cháo nấu xong, cho lá dứa vào, cả nồi cháo chuyển sang màu xanh lá cây đẹp mắt, thoảng hương lá dứa, đánh thức thị giác lẫn khứu giác. Còn cháo đậu đen có màu nâu đỏ, ăn tới đâu bùi đầu lưỡi tới đó. Cháo ngon phải thật vừa vặn: đừng quá đặc, cũng không được lỏng. Màu sắc của cháo phải “thực”, nhưng nhạt quá lại không thuận mắt.

Nhưng điều làm nên “thương hiệu” cho món cháo này, chính là thức ăn đi kèm. Cũng là thịt kho, cá kho tiêu, tép rang, dưa mắm, dưa muối, hột vịt muối quen thuộc, mà mọi người thường dùng kèm với cháo trắng truyền thống. Bí quyết “giữ” khách nằm ở chỗ, thịt cá kho tiêu vừa có độ săn hơn hẳn, vừa đặc sánh. Chúng không quá mặn, lại có vị ngọt hậu. Thêm một chút dấm ớt vào thức ăn, thêm muỗng nước cốt dừa chan lên tô cháo. Tổng hợp lại, chua cay mặn ngọt béo bùi… đều nằm cả trong phần cháo. Món cháo này thường được bán vào chiều tối. Bên ánh đèn nhập nhoạng, bên lề đường, bên tô cháo nóng, thực khách sẽ cảm thấy vừa đủ cho một buổi ăn nhẹ nhàng, thanh đạm.

Mấy quán cháo ở chợ Mỹ Long đã quen thuộc với người dân Long Xuyên, hầu như lúc nào cũng đắt khách. Những người bán chúng tôi phỏng vấn, không ai biết được xuất xứ của món ăn này. Họ chỉ biết nó có mặt đã lâu, dần trở thành một phần không thể thiếu của Long Xuyên, nhưng có mấy ai dành thời gian đi tìm hiểu về một món ăn vỉa hè này đâu. Mỗi người sẽ có “bí quyết” chế biến riêng, không chia sẻ với ai. Khách thấy nơi nào hợp khẩu vị với mình thì trở thành “mối” của chỗ đó.

Cô Sa Kim Xuân chia sẻ: “Tôi bán món này lâu lắm rồi, công thức do mình tự mày mò, chứ đâu ai chỉ dạy. Mấy công đoạn khác có người hỗ trợ, riêng khâu nêm nếm thức ăn do tôi trực tiếp thực hiện, vì khách hàng quen khẩu vị này rồi, thay đổi chút xíu sẽ bị chê. Tô cháo bình thường giá 14.000 đồng, nếu thêm thức ăn thì chừng 25.000 đồng là đã miệng rồi! Nhiều người lại thích mua thức ăn riêng về ăn kèm với cơm, tôi bán 30.000-40.000 đồng/gr. Ngoài mấy loại thức ăn mặn, tôi còn chuẩn bị cả dưa muối, dành cho người ăn chay”. Cô trao đổi với chúng tôi giữa những lần khách hỏi mua cháo ơi ới, giữa sự tất bật đầy niềm vui. Khách đông, hổng vui sao được!

Mấy nồi cháo bên lề đường ấy, chất đầy tâm tư của người bán. Dì Tám (nhân vật xin được giấu tên, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) đã gần chạm đến tuổi 60. Sáng sớm, dì ra chợ, chuẩn bị các loại thức ăn. Đến trưa, thức ăn đã hoàn tất thì bắc 2 nồi cháo lên. Cháo chín, hai vợ chồng chậm rãi dọn ra quán. Nói “quán” cho sang, chứ tất cả chỉ là một chiếc xe đẩy và mấy bộ bàn ghế. Họ trải cuộc sống của mình trên vỉa hè, từ trưa đến tối. Đúng 22 giờ, con đường vắng khách qua lại, dù nồi cháo đầy hay vơi, họ đều thu dọn, trở về nhà.

“Hồi xưa, mẹ tôi là thợ nấu. Nhà đông chị em gái, mẹ bày ra món ăn này, nấu sẵn cho chị em tôi đem bán. Tới lúc lấy chồng, tôi không còn bán nữa, mà tập trung lo làm dâu, nuôi con, phụ chồng ruộng rẫy. Cách đây 7 năm, khi đã ra riêng, lớn tuổi làm việc nặng không nổi nữa, tôi sực nhớ nồi cháo của mẹ. Vậy là tự nhớ lại cách nấu, điều chỉnh mỗi ngày một chút theo ý khách ăn, coi như đắp đổi qua ngày” - dì cười thật hiền, ngại ngùng khi tôi hỏi chuyện.

Cuối năm, khí trời se lạnh, cực kỳ thích hợp cho việc thưởng thức tô cháo nóng. Dì Tám ngồi cạnh bếp lửa, tranh thủ những lúc vắng khách dựa lưng vào ghế nghỉ ngơi. Chồng của dì đi qua đi lại dọn dẹp thật sạch mấy bàn ăn. Tô cháo nhỏ của tôi đã sạch sẽ, nồi cháo của dì cũng vơi non nửa, nhưng tiếng thở dài vẫn quanh quẩn đâu đây. Dịch bệnh, khách thưa hơn trước. Tuổi ngày càng nhiều, họ chẳng biết còn đủ sức bán đến khi nào. Cậu con trai duy nhất chưa yên bề gia thất, chẳng chịu “tiếp quản” xe cháo. Cuộc sống đâu lúc nào hết chuyện để lo!

Nhưng tôi tin, vẫn luôn còn những nụ cười bình yên, bên những nồi cháo trắng. Chẳng cao sang, chẳng mỹ vị tuyệt trần, món ăn ấy nhẹ nhàng len lỏi vào tiềm thức, chất đầy ký ức “hồi xưa”, quyện vào lòng người mỗi khi nhớ về Long Xuyên…

Bài, ảnh: GIA KHÁNH