Doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng đồng bằng sông Cửu Long: Nhu cầu tiếp cận nguồn vốn không thế chấp tài sản

20/05/2022 - 10:03

Tại TP. Cần Thơ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Cục Phát triển doanh nghiệp (DN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN vừa tổ chức buổi hội thảo “Tiếp cận vốn vay không thế chấp tài sản - Giải pháp cho DN nhỏ và vừa vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Khoảng 100 DN, cơ sở sản xuất vùng ĐBSCL tham dự, trong đó có nhiều DN tỉnh Bến Tre. Cùng với đó là các chuyên gia tài chính ngân hàng (NH) đến từ Quỹ phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty tài chính BIDV Sumi Trust Leasing, Quỹ đầu tư Beacon Fund, NH TMCP Hàng hải Việt Nam.

A A

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng bằng sông Cửu Long mong muốn tiếp cận vốn không thế chấp tài sản thuận lợi hơn.

Cơ hội tiếp cận vốn

Theo ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (DNNVV - LinkSME) do USAID tài trợ, hội thảo này là một phần của sáng kiến tiếp cận tài chính của USAID LinkSME, một trong các lĩnh vực mà dự án đang giúp các DNNVV cải thiện hoạt động và nguồn lực để có thể tham gia hoặc nói cách khác là gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của tài chính DNNVV. Các DNNVV thường thiếu các tài sản mà các NH ưu tiên làm tài sản thế chấp, chẳng hạn như bất động sản và phương tiện đi lại. Trong khi đó, một số NH coi tài sản thế chấp là yếu tố hàng đầu khi cho vay. Các NH coi hầu hết các yếu tố khác là quá khó giải quyết hoặc đơn giản là không quan trọng.

Các tổ chức khác như: Quỹ phát triển DNNVV, hay còn gọi là SMEDF, đã được Chính phủ thành lập với mục đích rõ ràng là cấp khoản vay cho các DNNVV với ít hoặc không có tài sản thế chấp.

Ông Vũ Văn Tuấn - chuyên gia tư vấn, Dự án USAID LinkSME thông tin, hơn 70% DNNVV chưa tiếp cận được tài chính, do nhiều nguyên nhân. Về phía DN, đa số không đáp ứng được điều kiện các khoản vay, không có phương án kinh doanh một cách cụ thể, báo cáo tài chính chưa rõ ràng, chính xác… cùng với đó là thói quen quản trị chưa được chuyên nghiệp, bài bản. Nhiều khi không biết nguồn hay các sản phẩm tài chính khác nhau, chỉ nghĩ tới NH mà không nghĩ đến chỗ khác phù hợp hơn.

Cũng theo ông Vũ Văn Tuấn, xu hướng thay đổi về thị trường tài chính mà DN khai thác là các nguồn tiếp cận đa dạng hơn 10 nguồn khác nhau, công ty cho thuê tài sản, tài chính, quỹ bảo hiểm tín dụng, chính sách hỗ trợ, tài khóa, miễn, giảm, hoãn của Chính phủ hay nhà tài trợ quốc tế… dưới nhiều hình thức khác nhau, các công ty tài chính công nghệ, quỹ đầu tư, hay phát hành trái phiếu…

Có khoảng 49 NH, hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân ở các tỉnh, 10 công ty thuê tài chính góp ý đề xuất những thay đổi trong tiếp cận tài chính của DN… nên phải phân loại DN như số năm DN hoạt động, doanh thu mà DN có, nhu cầu DN cần gọi vốn, tăng vốn điều lệ, đầu tư. Khi DN xác định được sẽ tiếp cận rõ ràng hơn các tổ chức tài chính…

Nhiều hoạt động hỗ trợ

DN nên rõ các điều kiện về các tổ chức tài chính khác nhau như: hồ sơ pháp lý, giấy tờ đăng ký kinh doanh, hồ sơ tài chính, phương án kinh doanh (không phải làm theo kiểu làm cho đủ hồ sơ), quản lý giao dịch lịch sử tín dụng, không có nợ quá hạn, đáp ứng yêu cầu xếp hạng tín dụng. Có nhiều khoản ưu tiên mà DN không biết như: xuất khẩu, công nghệ cao, DN là nhà thầu… các tổ chức đều có ưu tiên và đối tượng ưu tiên lĩnh vực này. Các dịch vụ tài chính tiêu biểu như: Cổng thông tin dành cho DNNVV, mạng lưới tư vấn viên, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị DN, hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số…

DN ĐBSCL đa dạng trong nhiều ngành nghề khác nhau, nông lâm thủy sản là mạnh nhất. Trong thời gian gần đây, DN đang tăng trưởng mạnh. Xu hướng đầu tư hạ tầng của ĐBSCL rất lớn. Các DN đang rất cần vốn.

Ông Phan Thanh Hà - Giám đốc Quỹ phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Dự án kết nối DNNVV (LinkSME) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ hiện tại đang có rất nhiều hoạt động cùng triển khai với Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ DNNVV nâng cao khả năng tiếp cận tài chính đáp ứng nhu cầu tài chính tham gia vào chuỗi cung ứng. Cụ thể, hỗ  trợ  tư vấn DN xây dựng phương án kinh doanh  và chuẩn hóa số liệu tài chính và tái cơ cấu hoạt động tài chính phù hợp với yêu cầu của các nguồn tài chính. Triển khai các chương trình hội thảo sự kiện kết nối các nguồn tài chính mới phù hợp với năng lực kinh doanh của các DNNVV tại Việt Nam.

Đồng thời, triển khai các khóa đào tạo nâng cao năng lực tài chính cho DNNVV, giảm số lượng các DN bị nợ quá hạn hoặc đối mặt với nguy cơ phá sản. Triển khai các khóa đào tạo cho các cán bộ tín dụng NH am hiểu nhu cầu tín dụng của một số ngành mà Việt Nam có lợi thế tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Công bố các sổ tay hướng dẫn, công cụ tự đánh giá sức khỏe tài chính cho DNNVV…

Theo Báo Đồng Khởi