Nhiều diện tích mía của người dân trong tỉnh đang bị ngập sâu trong nước.
Mía bị ngập, đổ ngã
Gần một tháng nay, người dân trong tỉnh phải liên tiếp đối mặt với tình hình mưa dầm kết hợp với triều cường dâng cao do ảnh hưởng của hoàn lưu 3 cơn bão số 6, 7 và 8. Chính vì vậy, hiện có nhiều diện tích mía tại các vùng trũng trong tỉnh bị xiêu vẹo và ngập sâu trong nước, với độ sâu từ mặt liếp lên cây mía dao động từ 10-30cm. Do đã bị ngập trong thời gian khá lâu nên những rẫy mía trồng giống chín sớm ROC 16, hiện cây mía bắt đầu có dấu hiệu xuống lá và chết cây, từ đó gây không ít lo lắng cho bà con.
Đang chống xuồng rảo quanh thăm hơn 1ha mía (giống ROC 16) của gia đình bị ngập sâu trong nước, ông Nguyễn Văn Cương, ở ấp Quyết Thắng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Toàn bộ diện tích mía của gia đình tôi đã bị ngập nước từ 10-20cm gần 10 ngày qua. Do đó, nhiều nơi cây mía bắt đầu xuống lá. Những ngày đầu mới ngập nước, nông dân còn cố gắng bơm được, thế nhưng nước dưới kênh ngày càng dâng cao gây ngập sâu cả cánh đồng, từ đó bà con đành nhìn cây mía bị ngập mà không biết làm gì khác hơn. Hiện tại, bà con chỉ mong nhà máy đường sớm vào vụ ép để tiêu thụ mía cho người dân nhằm hạn chế thiệt hại”.
Cách nhà ông Cương không xa, ông Võ Văn Gan, ở cùng ấp Quyết Thắng A, xã Hiệp Hưng, cho hay: “Gần 10 ngày qua, tôi đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua dầu để bơm rút nước cả ngày lẫn đêm nhằm cứu lấy gần 1ha mía (giống ROC 16) của gia đình đã đến ngày thu hoạch. Nhờ bơm liên tục nên nước có khi rút khi đầy, từ đó mà bộ rễ của cây mía ít bị thối và chết cây. Mọi năm, vào thời điểm này là nhà máy đường đã vào vụ ép để tiêu thụ mía chạy lũ cho bà con, không hiểu sao năm nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nếu nhà máy không sớm vào hoạt động thì càng gây nhiều lo lắng cho bà con khi mía đang bị ngập sâu, trước mắt là người dân phải tốn thêm chi phí mua xăng, dầu bơm rút nước”.
Dù canh tác giống mía chín muộn là Suphan Buri 7 và một số giống mía thuộc nhóm K, tuy nhiên do mía bị ngập sâu từ 10-30cm nhiều ngày qua nên bà Nguyễn Thị Tuyết (có gần 1ha mía, giống KK 3) cùng bà con ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, cũng đang có tâm trạng rất lo lắng giống như những hộ trồng giống mía chín sớm ROC 16. Bà Tuyết cho biết: “Năm nay ở khu vực này được xem là bị nước ngập sâu nhất trong nhiều năm qua. Dù là giống mía chín muộn như KK3 hay Suphan Buri 7, thế nhưng cây mía cũng chỉ chịu đựng nước ngập trong khoảng nửa tháng trở lại. Do đó, trước tình trạng liếp mía đã bị ngập gần 10 ngày qua nên bà con bắt đầu sốt ruột vì lo thiệt hại. Bởi, bao nhiêu vốn liếng đều đầu tư vào đây và chờ cả năm mới thu hoạch mía một lần, nếu bị thua lỗ thì nông dân rất khó khăn trong cuộc sống”.
Qua thống kê của ngành chức năng tại các địa phương có vùng mía trong tỉnh, hiện tại triều cường dâng cao đã gây ngập hơn 1.100ha mía của bà con nông dân, với độ sâu từ 10-30cm. Theo thông tin từ người dân tại vùng mía lớn nhất của tỉnh là huyện Phụng Hiệp, hiện các rẫy mía nơi đây đang dao động ở mức từ 8 đến hơn 10 tháng tuổi, trong đó hầu hết diện tích mía trồng giống chín sớm là ROC 16 đã hơn 10 tháng tuổi, đảm bảo đạt chữ đường (CCS) theo quy định nên nhà máy đường có thể vào hoạt động. Đặc biệt, trong điều kiện đang bị nước ngập sâu, mía bắt đầu có dấu hiệu chết cây thì việc khẩn trương vào vụ ép để giúp người dân vùng mía giảm gánh nặng càng có ý nghĩa trong lúc này.
Dự kiến đầu tháng 11 vào vụ ép
Thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện đơn vị gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị tại Nhà máy đường Phụng Hiệp. Dự kiến, vào khoảng đầu tháng 11 tới, Casuco sẽ bắt đầu vào vụ ép. Đến thời điểm này, Casuco đã ký kết hợp đồng bao tiêu mía cho người dân trên địa bàn tỉnh được hơn 1.000ha. Về giá thu mua mía vào đầu vụ thu hoạch tới đây là 820 đồng/kg, mía 10 CCS tại ruộng; riêng chi phí vận chuyển mía từ rẫy về nhà máy đường sẽ do Casuco chi trả.
Chia sẻ về mức giá thu mua mía của nhà máy đường như trên, ông Lý Văn Lanh, hộ có gần 6ha mía (với 2 loại giống là ROC 16 và KK 3) ở ấp Quyết Thắng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Với giá thu mua như trên thì chắc vụ này tôi và bà con trồng mía nơi đây lại phá huề. Bởi, dù chưa thu hoạch mía nhưng khả năng tiền thuê nhân công đốn chặt sẽ cao vì mía bị ngập, xiêu vẹo do mưa bão trong thời gian qua. Theo tính toán sơ bộ, chi phí đầu tư cho vụ mía năm nay của gia đình tôi tăng hơn năm rồi và ước tính ở mức hơn 800 đồng/kg. Nguyên nhân là ngoài những chi phí đầu tư về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, giống mía như mọi năm thì tôi còn tốn thêm một khoản không nhỏ tiền mua xăng, dầu để bơm nước chống ngập từ ruộng mía ra bên ngoài”.
Niên vụ mía 2019-2020, nông dân trong tỉnh xuống giống được gần 5.400ha mía, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, với hơn 5.000ha; diện tích nhỏ còn lại là ở thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Các giống mía được nông dân trồng phổ biến trong vụ này là ROC 16, một số giống mía thuộc nhóm K và giống Suphan Buri 7. Hiện tại, diện tích mía được người dân thu hoạch để bán cho thương lái chở đi tiêu thụ tại nhiều nơi làm nước giải khát hơn 1.500ha, trong đó chủ yếu là giống mía ROC 16. Hiện bộ phận chuyên môn của Casuco đang phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương có vùng mía tiến hành rà soát lại những diện tích mía để ưu tiên thu hoạch trước sau khi đốn hết giống mía ROC 16.
Cùng với nhà máy đường thì mới đây đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã tiến hành lấy 6 mẫu mía của người dân tại vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp để gửi Trường Đại học Cần Thơ do CCS. 6 mẫu mía thuộc 3 loại giống là ROC 16, KK3 và Suphan Buri 7. Các giống mía được lấy mẫu đều đạt trên 10 tháng tuổi và phân ra tại nhiều vùng khác nhau để có kết quả tổng thể. Ông Phan Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: Sau khi cơ quan trung lập có kết quả đo CCS của các mẫu mía trên, chúng tôi sẽ thông báo lên phương tiện thông tin đại chúng để ngành chức năng và người dân tại các vùng mía trong tỉnh được biết. Kết quả lấy mẫu mía lần này sẽ làm cơ sở quan trọng cho nhà máy đường quyết định thời gian vào vụ ép hiệu quả. Ngoài lấy mẫu mía tại huyện Phụng Hiệp, dự kiến đoàn công tác liên ngành của tỉnh sẽ tổ chức lấy mẫu mía tại hai địa phương có mía còn lại của tỉnh là thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Mặt khác, khi nhà máy đường đi vào hoạt động, đoàn công tác liên ngành của tỉnh sẽ tiến hành mấy mẫu CCS ngẫu nhiên tại nhà máy đường để đối chiếu với kết quả đo của nhà máy khi công bố cho nông dân. Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo sự minh bạch trong đo CCS giữa nhà máy đường với người trồng mía.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)