Xuất phát từ việc bảo vệ môi trường, trong hoạt động ra quân thu gom chai nhựa, dọn vệ sinh, phân loại rác tại nguồn, nhiều chị em phụ nữ ấp Láng Chiếu, xã Ðất Mới, đã phát hiện dây đai nhựa PET buộc gạch, đá của các công trình có thể mang về tái chế thành sản phẩm sịa nhựa để dùng trong gia đình. Từ suy nghĩ đó, một số chị em đã cùng nhau mày mò, tìm cách bắc khung, đan dây, siết mối nối... cho ra thành phẩm là những chiếc sịa nhựa vừa đẹp, bền, vừa có tính hữu dụng cao.
Chị Nguyễn Thị Viên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ðất Mới, cho biết: “Ðầu tiên các chị tự học hỏi lẫn nhau, sau đó thành lập mô hình chứ không qua lớp đào tạo nghề nào. Sản phẩm của mô hình này có chất lượng tốt, độ bền cao hơn so với sản phẩm bằng tre”.
Sản phẩm từ dây nhựa PET có độ bền cao hơn so với sản phẩm bằng tre.
Trong quá trình sử dụng tại gia đình, nhận thấy dây đai nhựa PET có khả năng chịu lực tốt, độ bền và độ an toàn cao, không gây nguy hiểm khi dùng, dễ dàng thao tác, do đó, chị em đã dạy nghề cho nhau và xin ý kiến Hội LHPN xã thành lập Tổ phụ nữ đan sịa bằng dây nhựa tại ấp Láng Chiếu. Hiện tại, mô hình này đã thu hút gần 10 chị em tham gia. Vì là những sản phẩm đan đát, đòi hỏi sự tỉ mỉ và gia công bằng tay, ngày công bỏ ra nhiều nên giá thành tương đối cao, mỗi sản phẩm có giá từ 100-120 ngàn đồng, tuỳ kích cỡ.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Tổ trưởng Tổ phụ nữ đan sịa bằng dây nhựa tại ấp Láng Chiếu, chia sẻ: “Dây nhựa có độ cứng nên đan sịa rất bền. Lúc mới học nghề, chúng tôi làm từ sịa nhỏ đến sịa lớn, rồi thúng, giỏ... Mình tái chế dây này, vừa bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, vừa tạo được việc làm cho chị em lúc nhàn rỗi. Tuy nhiên, nỗi lo nhất của tổ hiện nay là đầu ra cho sản phẩm còn quá ít”.
Chị em phấn khởi khi mô hình “Ðan sịa bằng dây nhựa” được thành lập.
Tuy mô hình khá phát triển, thu hút nhiều chị em hội viên tham gia, sản phẩm làm ra chất lượng, đa dạng về mẫu mã, nhưng để sống được với nghề đan sịa nhựa thì còn nhiều khó khăn. Bởi để hoàn thiện sản phẩm, phải tốn nhiều thời gian, vì vậy giá cả hơn cao, đây là trở ngại lớn đối với đầu ra cho sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Viên cho biết thêm: “Hội LHPN xã đã nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, tuy nhiên tới thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục giúp mô hình tìm đầu ra như giới thiệu lên các trang Zalo, Faceboook và các đầu mối quen biết... Hiện tại, Hội cũng có gian hàng trưng bày tại xã, để giới thiệu tất cả các sản phẩm của chị em, trong đó có sản phẩm sịa nhựa đến với nhiều người”./.
Theo NGỌC BÍCH (Báo Cà Mau)