Sản xuất lúa gạo thắng lợi

12/10/2020 - 14:36

Nông dân ĐBSCL đang trải qua một năm được mùa, được giá lúa gạo, bởi những tác động tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới. Thêm một thuận lợi là mới đây ở An Giang lô gạo thơm đầu tiên được xuất sang thị trường châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra hướng đi triển vọng cho ngành hàng lúa gạo…

Nông dân ĐBSCL phấn khởi vì lúa trúng mùa được giá.

Trúng mùa, trúng giá

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những ngày này nông dân ÐBSCL cơ bản thu hoạch xong vụ lúa hè thu 2020 với tổng diện tích khoảng 1,5 triệu héc-ta, năng suất bình quân từ 5,6-5,9 tấn/héc-ta. Thương lái thu mua lúa tươi giống IR 50404 tại ruộng từ 5.800-6.100 đồng/kg, lúa thơm Ðài từ 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Jasmine khoảng 6.300 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.000-7.500 đồng/kg… sau khi trừ chi phí, nông dân lời từ 20-25 triệu đồng/héc-ta.

Ông Nguyễn Văn Son, xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Nếu như trước đây mỗi khi tới vụ thu hoạch lúa thường hay gặp cảnh rớt giá, thì nay tình hình diễn ra theo hướng thuận lợi cho nông dân. Lúa thu hoạch xong bán cho thương lái ngay tại ruộng với giá cao và nhận tiền liền, điều này làm cho nông dân rất vui”. Cùng niềm vui ấy, ông Nguyễn Văn Ðời, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp), nhìn nhận nhờ tác động tích cực từ thị trường xuất khẩu trên thế giới nên nhiều tháng qua giá lúa trong nước duy trì mức cao. Ðiều này mang đến sự phấn chấn cho nông dân bởi hầu hết ai canh tác lúa cũng có lời.

Sau khi thu hoạch lúa hè thu, Bộ NN&PTNT đưa ra 2 phương án cho sản xuất vụ lúa thu đông ở ÐBSCL. Phương án 1, ước gieo sạ 750.000ha, tăng 25.800ha so với cùng kỳ 2019; sản lượng ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 215.000 tấn. Cần thấy rằng diện tích sản xuất lúa thu đông trong 5 năm trở lại đây ở ÐBSCL dao động từ 730.000ha-770.000ha, năm cao nhất là 2016 với 825.000ha. Vì vậy, phương án 1 được cho là khả thi nhất. Còn phương án 2, dự kiến xuống giống 800.000ha, tăng 75.800ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn.

Do dự báo mùa lũ năm nay ở mức thấp, đồng thời giá bán lúa thương phẩm vụ đông xuân và hè thu 2020 khá cao, nên lợi nhuận cũng tăng và nhiều dự báo giá lúa vẫn tiếp tục ổn định. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng phương án 2 nhằm tăng sản xuất lúa thu đông để nắm bắt cơ hội gia tăng lợi nhuận và bù đắp một phần cho sản lượng lúa thiếu hụt của vụ đông xuân 2019-2020 do ảnh hưởng hạn mặn… Thế là nhiều địa phương chọn phương án 2 để sản xuất khoảng 800.000ha lúa thu đông và đến nay cơ bản xuống giống xong. Tại một số nơi gieo sạ lúa thu đông sớm, hiện đang thu hoạch.

Ông Lâm Văn Sáu, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên chi phí đầu tư cho vụ thu đông này khá thấp; trong khi năng suất lúa khoảng 5,5-6 tấn/héc-ta; giá lúa ổn định mức cao, điều này giúp nông dân thu hoạch sớm có lời từ 20-30 triệu đồng/héc-ta”.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gần đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, trong tháng 8 loại gạo 5% tấm đã có lúc vượt giá gạo Thái Lan vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan đến 20 USD/tấn.

Tại ÐBSCL, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng giá gạo trong nước đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao bởi chất lượng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thị trường thuận lợi, cộng với nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới tăng cao do ảnh hưởng dịch COVID-19, đã giúp những doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, từ đầu tháng 8-2020 khi EVFTA có hiệu lực, tạo thêm động lực quan trọng để các doanh nghiệp tăng cường đưa gạo ngon, chất lượng cao, giá tốt… vào thị trường châu Âu đầy triển vọng.

Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Lô hàng gạo thơm đầu tiên xuất sang châu Âu của Tập đoàn Lộc Trời với số lượng gần 126 tấn, loại giống Jasmine 85, được đóng gói theo quy cách 18kg.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng với mức thuế suất ưu đãi của EVFTA, sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn về xuất khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng vào EU. Ðây là lợi thế của Lộc Trời, bởi trong nhiều năm qua tập đoàn đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa gạo tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu trên khắp các vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất, chế biến. Lộc Trời đặt mục tiêu kiểm soát chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường EU, tăng diện tích vùng trồng nhằm tăng sản lượng xuất khẩu, đa dạng hóa các loại giống… với mong muốn trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất vào EU thời gian tới.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, những năm qua tỉnh luôn chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Cơ cấu sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm của tỉnh tăng dần qua từng năm và đến nay đã chiếm hơn 75% diện tích sản xuất. Song song đó, gần 5 năm qua An Giang tổ chức sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) đến với 1.200 hộ nông dân, với tổng diện tích qua các mùa vụ hơn 22.000ha; đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn Global GAP.

“Thị trường xuất khẩu gạo của An Giang liên tục được mở rộng, đến nay đã xuất sang 39 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường châu Á chiếm gần 80% sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh. Nay, gạo của An Giang đã vào châu Âu theo EVFTA sẽ mở ra hướng đi mới trong thời gian tới”, ông Trần Anh Thư kỳ vọng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận việc xuất khẩu gạo thơm vào châu Âu cho thấy: nông dân và các doanh nghiệp đã có khả năng sản xuất đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng cao mà những thị trường khó tính đặt ra. Thuế xuất 0% có ý nghĩa rất quan trọng là thừa nhận chính thức về chất lượng, tiêu chuẩn gạo của chúng ta. Ðây là tiền đề nhằm tái cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo, nâng cao chất lượng hàng hóa, hướng tới sự phát triển bền vững… Tới đây để tận dụng lợi thế trên, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp; ngoài ra cần quan tâm đến bao bì, nhãn mác để khai thác tốt hơn ở thị trường EU…

Theo PHƯỚC BÌNH (Báo Cần Thơ)