Sau mùa lúa đắng

07/12/2020 - 10:49

Năm nay đã 68 tuổi, nhìn lại mấy cái bao lúa mót còn sót, ông Phạm Văn Vui (ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) chậm rãi: “Lúa ngập nước cắt không kịp, tiếc của tôi ra lấy lưỡi cắt cắt được bao nhiêu hay bấy nhiêu, ở nhà được mớ, còn một mớ nằm ngoài ruộng. Lúa hư bán rẻ bán mắc đại cho người ta”.

Vì nhà không có đất sản xuất nên ông Vui mướn bên ngoài hơn 20 công đất để trồng lúa, mỗi công như vậy vị chi là trả chủ đất 1,5 triệu đồng. “Tiền đất chưa trả, tiền phân, tiền giống cũng chưa tính đợi mùa này gặt lúa rồi trả một lượt, ai dè...”, câu nói bỏ lửng pha chút tiếc nuối của ông Vui nghèn nghẹn.

Những món quà nghĩa tình đã đến tận tay vợ chồng ông Phạm Văn Vui, kịp thời hỗ trợ lúc gia đình khó khăn.

Tiếng dao sát vào miếng gạch tàu cạo đất nghe xèn xẹt như báo hiệu ngày khó khăn đã qua giờ mọi việc phải làm lại từ đầu, chỉ tội cho người nông dân trót làm lụng mấy tháng trời chỉ qua vài trận mưa là thất còn mắc thêm một mớ nợ cũ và sắp đây là một mớ nợ mới để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

“Nhà tôi ở cất đâu cũng hơn 20 năm rồi, đợt tôi cất nhà hết thảy là 20 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng, 8 triệu đồng còn lại tôi vay ngân hàng, ở cái nhà xuống cấp mà chưa trả hết tiền vay. Làm nhiêu ăn nhiêu, thêm bệnh hoạn nữa nên không có dư dả gì”, ông Vui từ tốn.
Ngoài trồng lúa, ông Vui còn đi giăng cá kiếm phụ hờ thêm, nếu khá thì một ngày kiếm cũng được năm, bảy chục ngàn bỏ túi....

Hộ bà Phạm Thị Hoa cũng thuộc diện khó khăn và thất trắng vụ lúa trong đợt vừa rồi. Nhà bà Hoa mấy ngày mưa dầm dề cũng là lúc mà mọi ngóc ngách trong nhà đều được tận dụng để phơi lúa cho khô. Cũng không có đất sản xuất nên hộ bà Hoa mướn 2,5 công đất để làm trồng lúa đắp đổi qua ngày, mưa trút xuống mang theo cả niềm hy vọng lẫn phần huê lợi mà gia đình bà tích cóp trong vụ lúa đi theo dòng nước.

Bà Hoa chỉ bao lúa nằm chơ hơ nơi ngóc nhà không đầy không vơi, chỉ lưng lửng nửa chừng, bộc bạch: “Mót được bây nhiêu đó tầm 4-5 giạ lúa là cùng, thay vì 30-40 giạ như mọi khi. Mò lặt từng bông chứ không thôi là không có gì, chịu khó sàng thì vẫn có gạo mà ăn”.

Ông Nguyễn Tấn Thành (72 tuổi, chồng bà Hoa) tiếp lời: “Giờ nước rút, coi dọn dẹp tát rạ đặng chuẩn bị cho mùa tới, mùa này không được thì đặng mùa sau. Hàng ngày, ngoài việc đồng áng, cũng đi giăng cá bán và làm nguồn thực phẩm cho gia đình".

Hộ gia đình bà Hoa thuộc diện khó khăn, vợ chồng đều quá tuổi lao động.

Vốn có tiền sử bệnh huyết áp nên bà Hoa không làm được việc nặng, tối ngày chỉ quanh quẩn trong nhà lo cơm nước, nuôi thêm bầy vịt để đám giỗ có cái mà cúng ông bà. Bà Hoa cho biết: “Miễn mệt lên là cái gì tôi cũng bỏ ngang hết, không làm được nặng. Nhà có 2 đứa con đều đi làm ăn xa, bỏ lại nhà 2 đứa cháu ở với vợ chồng già”.

Dù tiếc, dù xót nhưng qua rồi vẫn phải làm lại vì kế sinh nhai. Tính ra cả 2 hộ gia đình đều đã qua tuổi lao động nhưng còn vẫn phải cực nhọc vì miếng cơm manh áo. Nước rút, nắng lên, người nông dân tất tả mua giống để chuẩn bị cho vụ tới vì đơn giản là họ mong muốn được thấy bông lúa trổ trên đồng, trên đất của họ.

Thông qua kêu gọi qua mạng xã hội, được biết hoàn cảnh của hộ gia đình ông Vui, bà Hoa, cô trò Trường Tiểu học Việt Anh đã đến thăm và tặng quà cho 2 hộ gia đình. Những phần tiền mặt (mỗi hộ 7,5 triệu đồng) cùng một số nhu yếu phẩm khác do nhiều bạn trẻ, mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ để ông Vui, bà Hoa sớm vượt qua khó khăn hiện tại. Gian nhà dần trở nên sáng sủa, tiếng gà gáy miết như báo hiệu sau cơn mưa trời lại sáng, chỉ cần chí thú làm ăn, chỉ cần còn sức, còn đất, còn đôi bàn tay để lao động là người nông dân vẫn có thể làm lại sau mùa lúa đắng...

Theo YẾN NHI (Báo Cà Mau)