Thân khuyết, tâm không khuyết

06/09/2022 - 14:27

Vạt nắng ít ỏi tháng Tám rọi vào căn nhà tường cũ ở ấp Bàu Sơn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau; bên trong, người đàn ông trạc tứ tuần ngồi trên võng đưa cháu ngoại ngủ.

A A

Thỉnh thoảng, anh hướng mắt ra hai thùng đựng đầu cá vừa xin ở chợ về, còn treo trên chiếc xe ba bánh tự chế. Tranh thủ chở số thức ăn đó cho người quen trong xóm kịp cho cá ăn cữ chiều, rồi còn về nhà kiểm tra số cá nuôi trong ao bị bệnh hơn tuần nay. Ðây là công việc rất bình thường với người khoẻ mạnh, nhưng với một người tật nguyền như anh Phan Hoàng Hận, đó là nghị lực trên cả sự phi thường.

Anh là con của cựu chiến binh Phan Ngọc Lợi (bí danh Sáu Nhỏ) và bà Phạm Thị Tuyết Hồng. Thời chiến, ông Lợi hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu, bà Hồng dạy học. Khi đứa con trai đầu lòng ra đời khoẻ mạnh, ông bà vui mừng khôn xiết. Ðến khi sinh đứa thứ 2, vừa nhìn thấy con, bà Hồng thất thần. Ðứa bé tay chân bé tí, các khớp lỏng, cơ thể uốn vặn. Bà Hồng tự trấn an, có lẽ con còn nhỏ, bà đặt tên bé là Phan Hoàng Hận.

Nhưng lên 5 tuổi, Hận cũng chỉ biết bò. Thương con, bà Hồng gạt nước mắt tìm mọi cách để Hận có những bước đi đầu đời như bao đứa trẻ khác. Bà ra sau vườn chặt tre cặm thành nhiều trụ, gác thanh tre làm tay vịn cho Hận lần theo đó tập đi. Ðêm đêm, bà Hồng chong đèn xoa bóp cho con. 

Cả tuổi thơ, Hận lê lết, quanh quẩn ở nhà. Sau nhiều nỗ lực, mãi đến năm 16 tuổi, Hận mới có những bước đi tập tễnh, nhưng khi gặp đường mấp mô, Hận lại phải thụp xuống, quăng chân về phía trước, nhoài người theo. Tuy bước chân mang “dấu chấm phẩy”, nhưng đó là cả khoảnh khắc kỳ diệu và thiêng liêng đối với bà Hồng.

“Vui sướng đến ứa nước mắt, không có vàng bạc nào sánh bằng khi thấy con bước chập chững về phía mẹ”, bà Hồng kể.

Tuy nhiên, thật nghiệt ngã khi nỗi đau càng chồng chất với bà Hồng, người chồng phục viên được vài năm thì bị tai biến, sống đời thực vật hàng chục năm rồi mất, 3 người con thì chỉ có 1 người khoẻ mạnh.

Vượt lên tất cả, anh Hận vẫn không ngừng nỗ lực, lớn lên từng ngày trong tình thương của người thân. Chỉ học hết lớp 4, hàng ngày lê từng bước đi khó nhọc nhưng anh vẫn giúp mẹ bổ củi, rửa chén, quét nhà, chăm người em trai bị thiểu năng... Ở miền quê sông nước, cá tôm dồi dào, Hận xin mẹ mua cho chiếc xuồng, ngày ngày thả lưới, giăng câu, đặt chộp kiếm cá đủ cho cả nhà ăn.

Dù đường trơn nhưng anh Hận vẫn thuần thục điều khiển xe chở thức ăn ra ao cho cá ăn.

Thấy mẹ hay ôm con vào lòng và khóc, anh an ủi: “Tính ra con vẫn còn may mắn hơn nhiều người, vì con còn có mẹ, có cha, có anh và em. Buồn cũng sống, lạc quan cũng sống, dù con khiếm khuyết đôi chân, nhưng con sẽ sống tốt. Mẹ đừng buồn”.

Càng lớn, Hận càng khôi ngô, tánh thiệt thà, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác nên bà con trong vùng đều quý mến. Qua mai mối, chàng trai tật nguyền nhưng ý chí mạnh mẽ hơn người kết hôn cùng cô gái xinh đẹp trong vùng, tên Lê Thuý Kiều.

Vì cưới vợ đẹp nên ngày rước dâu, chú rể bị doạ: “Mày ráng mà liệu, coi chừng tao cướp cô dâu!”. Khi hỏi: “Anh có lo không?”, chú rể của gần 20 năm trước cười ngất, trả lời đầy thuyết phục: “Nếu lo sợ thì sẽ không có hạnh phúc và nếu không hạnh phúc thì đã không có 2 con gái chào đời, giờ có thêm đứa cháu ngoại. Nói thiệt chớ tôi thầm cảm ơn vợ mình nhiều lắm”.

Sau vài năm ở chung, anh Hận được cha mẹ cho mảnh đất cặp ranh để cất nhà, tự tạo lập cuộc sống. Tài sản quý nhất của anh là chiếc xuồng. Vợ anh hái rau muống, nhổ bông súng, còn anh soi ếch, đặt trúm bắt lươn, giăng lưới, thả câu bắt cá. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, tiếng trẻ bi bô tập nói rộn cả khoảnh sân. Khi các con lớn dần, tuổi ăn tuổi học, anh nghĩ nếu giăng lưới bắt cá riết cũng sẽ cạn nguồn.

“Bàu Sơn là vùng nước ngọt, kênh rạch nhiều, hay là mình đào ao nuôi cá”, anh Hận bàn với vợ.

Ðược sự ủng hộ của gia đình, bà con chòm xóm giúp đỡ, anh Hận thuê người đào ao nuôi cá trê, cá rô đầu vuông, cá sặt bổi; trên bờ nuôi bồ câu, gà, vịt, trăn, rắn, lươn, thỏ. Chỉ trong thời gian ngắn, chàng trai khuyết tật khiến ai cũng trầm trồ thán phục.

Ðể giảm chi phí mua thức ăn chăn nuôi, anh Hận mua dây chì về đan rập bắt chuột, mua vợt bắt ốc bươu vàng mỗi ngày về cho lươn, rắn ri tượng ăn. Bà con trong xóm gọi anh là “dũng sĩ diệt ốc bươu vàng”.

Mỗi năm 2 vụ nuôi, anh Hận thu về gần 100 triệu đồng tiền bán các loại cá, gia cầm, lươn, thỏ… Từ căn chòi tạm bợ, vợ chồng anh tích góp xây được ngôi nhà tường khang trang, vật dụng sinh hoạt hiện đại, các con được lo ăn học đàng hoàng.

Cuộc sống cải thiện nhiều nhưng do cật lực làm lụng nên sức khoẻ anh giảm sút. Tuy vậy, anh vẫn lạc quan yêu đời, hay giúp đỡ bà con xung quanh. Anh bảo: “Người ta khoẻ mạnh thì làm một, mình bệnh tật, muốn được như người phải làm gấp đôi, gấp ba”.

Nói đoạn, anh tập tễnh leo lên chiếc xe ba bánh tự chế nổ máy để di chuyển ra ao cá tra. Một tay vịn cọc tràm, tay kia xúc thức ăn rải đều trên mặt nước, anh Hận khoe: “Cả tuần nay cá bệnh, bỏ ăn, rầu lắm. Cá cũng như người, bệnh cần điều trị cho đúng thuốc. Nay chúng ngoi lên đớp mồi là mừng rồi”.

Hiểu đặc tính và trị được nhiều bệnh của rất nhiều loài vật nuôi dưới nước cũng như trên bờ, anh Hận còn được bà con gọi là “kỹ sư chân đất”, thân khuyết, tâm không khuyết./.

Theo BÍCH LỆ (Báo Cà Mau)