Một hộ dân ở xã Thành Công, huyện Gò Công Tây vừa xuống giống vụ đông xuân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, theo số liệu quan trắc, đến thời điểm này, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê kông về khu vực Đồng bằng bông Cửu Long thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 15%, nhưng cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016 và mùa khô năm 2019 - 2020.
Tình hình xâm nhập mặn năm 2020 - 2021 đến trễ hơn mùa khô năm 2015 - 2016 khoảng 15 ngày và trễ hơn năm 2019 - 2020 khoảng 30 ngày.
Qua số liệu quan trắc cũng như dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 ở mức xấp xỉ bằng năm 2016. Biên mặn 1g/l có khả năng lấn sâu vào đến 60 - 70 km (khu vực xã Kim Sơn, huyện Châu Thành), độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 3-2021. Thời gian xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 không kéo dài như năm 2020 và có khả năng ngắn như 2016.
Đối với xâm nhập mặn từ hướng sông Hàm Luông, dự báo mặn sẽ lấn qua sông Tiền làm cho độ mặn ở khu vực cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) tăng cao. Dự báo, độ mặn cao nhất phía Nam cù lao Ngũ Hiệp xấp xỉ 2g/l, xuất hiện vào nửa cuối tháng 3-2021.
Nguồn nước vùng ngọt hóa Gò Công dồi dào
Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa XI lần thứ 3 (mở rộng) tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng ta là kịp thời ứng phó với hạn, mặn mà kinh nghiệm của năm 2020 chúng ta phải đối mặt là rất khó khăn. Và không dừng lại ở ứng phó kịp thời mà phải có hiệu quả trong việc phòng, chống hạn, mặn.
Do đó, tôi đề nghị các đồng chí không chỉ đơn thuần là chúng ta dừng lại ở việc tính toán về mặt kinh phí bỏ ra như thế nào cho phù hợp. Điều quan trọng là phải vừa ứng phó kịp thời vừa hiệu quả ngay khi hạn, mặn mới xâm nhập, nhưng cũng phải đảm bảo cho tính lâu dài của những hệ lụy có thể xảy ra nếu như chúng ta không kiểm soát được. Vì vậy, phải có dự báo chính xác, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, nhà khoa học để xác định. Khi cần thiết, có thể chúng ta sẽ tăng cường vốn để kịp thời ứng phó”.
|
Để chủ động đối phó hạn, mặn mùa khô năm 2020 - 2021, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó cho từng vùng.
Đối với vùng Ngọt hóa Gò Công, đến nay, ngành Nông nghiệp đã triển khai cắt vụ lúa thu đông năm 2020 và xuống giống vụ đông xuân 2020 - 2021 được 22.413 ha, kết thúc lịch gieo sạ từ ngày 20-11. Các diện tích này sẽ cho thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 2-2021.
Ngành Nông nghiệp cũng đã tiến hành nạo vét các công trình thủy lợi chính của vùng như: Kinh 14, Trần Văn Dõng… xử lý các điểm sạt lở mùa khô năm 2020.
Đồng thời, sửa chữa các cống, đập ngăn mặn; duy trì công tác vớt lục bình, khơi thông dòng chảy. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đã chuẩn bị thiết lập các trạm bơm trữ nước khi cống Xuân Hòa lấy gạn như: Trạm bơm Sơn Qui, Trần Văn Dõng, Champeaux, Bình Phan.
Hiện cống Xuân Hòa vận hành lấy nước ngọt ổn định nên mực nước nội đồng trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công duy trì ở mức khá cao, lượng nước dồi dào cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, một vấn đề khó khăn trong công tác phòng, chống hạn, mặn ở các huyện phía Đông của tỉnh là hiện trong vùng Ngọt hóa Gò Công có 879 ha không cắt vụ thu đông theo khuyến cáo.
Mặc dù các địa phương phía Đông của tỉnh đã tích cực vận động người dân không gieo sạ vụ đông xuân ở thời điểm này nhưng đã có khoảng 476 ha xuống giống; trong đó, huyện Gò Công Tây 272 ha, huyện Gò Công Đông 59 ha, TX. Gò Công 145 ha đã gieo sạ trễ vụ đông xuân. Việc gieo sạ vụ đông xuân thời điểm này sẽ dẫn đến nguy cơ lúa bị thất trắng do hạn, mặn.
Bảo vệ sản xuất vùng phía Tây
Thực tế cho thấy, trước ảnh hưởng của hạn, mặn, vùng chuyên canh cây ăn trái các huyện phía Tây của tỉnh được đánh giá là dễ chịu tổn thương nhất.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, công tác hướng dẫn khôi phục vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn, mặn năm 2020 đã được thực hiện kịp thời. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn đánh giá, xác định nguyên nhân cây sầu riêng chết và hướng dẫn nhà vườn thực hiện các bước để khôi phục vườn cây.
Đến nay, các vườn sầu riêng bị ảnh hưởng nhẹ đã phục hồi hoàn toàn, cây sinh trưởng tốt, có khoảng hơn 3.200 ha ra hoa và cho trái. Đối với các vườn bị ảnh hưởng từ 30% - 70%, 100% cây đã phục hồi, bộ lá mới phát triển tốt. Nông dân đang chăm sóc theo khuyến cáo, không cho ra hoa để bảo vệ cây. Đối với diện tích sầu riêng bị chết, người dân đã trồng lại khoảng 2.660 ha (trên 70% diện tích cây bị chết) và cây đang sinh trưởng tốt.
|
Để bảo vệ sản xuất, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương phía Tây của tỉnh đã vận động nhân dân tích trữ nước trong mương vườn, sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong mùa hạn, mặn. Theo đó, ngành Nông nghiệp và các huyện, thị đã tổ chức rất nhiều hội nghị để triển khai các nội dung này.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, với dự báo tình hình xâm nhập mặn tương đương năm 2016, ngành Nông nghiệp dự kiến sẽ không triển khai đắp hết các đập dọc theo đường tỉnh 864 thông ra sông Tiền như phương án ban đầu mà ngành Nông nghiệp đã tham mưu. Bởi nếu đắp hết 10 đập này thì chi phí sẽ rất lớn, khoảng 200 tỷ đồng. Với dự báo và tham khảo các cơ quan chuyên môn thì chỉ triển khai đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành.
Ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất UBND tỉnh triển khai công việc này trước Tết Nguyên đán 2021 và đắp đập tại một số nhánh như cầu Sao, cầu Mỹ Quý, Mỹ Long - Bà Kỳ… không để mặn lấn vào phía Bắc Quốc lộ 1.
Riêng đối với 2 cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong, tỉnh sẽ tập trung gia cố cống, đập, bờ bao sẵn có để ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, cho khoan khẩn cấp 14 giếng để cung cấp bổ sung nguồn nước ngọt tưới cây sầu riêng.
TRỌNG ĐẠT (Báo Ấp Bắc)