Vĩnh Long: Chăm sóc thủy sản mùa nắng nóng, nước nhiễm mặn

11/03/2024 - 09:45

Thủy sản nuôi nước ngọt rất mẫn cảm với thay đổi của thời tiết. Vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, nguồn nước bị nhiễm mặn khiến cho các yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, dẫn đến thủy sản nuôi bị sốc hoặc phát sinh bệnh. Một số biện pháp sau đây được khuyến cáo áp dụng để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại thủy sản nuôi trong điều kiện nuôi khó khăn.

A A

Chống nóng cho thủy sản

Theo các chuyên gia thủy sản của Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh, thủy sản nuôi là động vật thuộc nhóm máu lạnh nên nhiệt độ của nguồn nước ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của chúng; thường nhiệt độ nước chỉ tăng hay giảm khoảng 0,1 độ C là có thể kích thích dây thần kinh da làm mất khả năng điều tiết hoạt động của các cơ quan, phát sinh ra bệnh có thể gây chết hàng loạt. Vì vậy cần có biện pháp để hạn chế chênh lệch của nhiệt độ nguồn nước nuôi.

Đối với thủy sản nuôi trong ruộng, cần bảo đảm lượng đủ nước, tránh nước rò rỉ bằng cách đóng cống, nén chặt bờ.

Đào mương hoặc tạo các chỗ trũng trong ruộng làm nơi trú ẩn cho chúng vào những ngày nắng nóng kéo dài và cũng là nơi tập trung cho ăn, thu hoạch. Nếu ruộng nhỏ, đào một chỗ trũng, nếu là ruộng to đào 2-3 chỗ trũng ở giữa ruộng hoặc rìa ruộng, diện tích chỗ trũng chiếm 2-3% tổng diện tích ruộng.

Còn thủy sản nuôi trong ao, hồ thì duy trì mực nước trong ao từ 1,5-2m trong suốt mùa hè, đồng thời thả các loại cây thủy sinh (như bèo tây, rau muống, lục bình…) trên mặt ao (chiếm khoảng 1/3 diện tích) để làm chỗ trú cho thủy sản.

Trong những ngày nắng nóng cần giảm lượng thức ăn từ 30-40% hoặc cắt bỏ bữa ăn vào buổi trưa, khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất... để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, hạn chế việc thay nước thường xuyên.

Tăng cường các biện pháp chống nóng, chống nhiễm mặn, bảo vệ đàn thủy sản nuôi trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn.

Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm ngay sau khi thiếu nước, hạn hán xảy ra. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra ao nuôi, theo dõi thủy sản trong ao, nếu có hiện tượng bất thường cần có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với thủy sản nuôi lồng bè thì cần vệ sinh lồng bè thường xuyên, đảm bảo lồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ để nước trong và ngoài lồng được lưu thông. Kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc, di chuyển lồng về nơi râm mát. Nếu không di chuyển được cần hạ thấp lồng xuống, đảm bảo độ sâu của lồng luôn ở mức 2,5-3m. Nên dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh.

Nâng cao sức khỏe cho thủy sản nuôi trong lồng bằng cách bổ sung vitamin B1, C vào thức ăn, cho cá ăn 2 lần/ngày lúc sáng sớm và chiều mát. Với những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 35 độ C thì giảm khẩu phần ăn hoặc ngừng cho ăn.

Đối với cơ sở sản xuất giống, hay nuôi thủy sản trong bễ lót bạt thì cần bổ sung nước thường xuyên cho ao nuôi, đảm bảo số lượng nước, chất lượng nước; cần lắp mái che bằng lưới đen để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá bố mẹ và thủy sản nuôi trong bễ, tăng cường công tác phòng bệnh tổng hợp vào thời điểm nắng nóng.

Những ngày nắng nóng cao điểm, không nên xuất bán hay vận chuyển cá giống thủy sản. Khi có sự cố xảy ra cần báo cho ngành chức năng để có những biện pháp hỗ trợ xử lý.

Hạn chế thủy sản nuôi bị nhiễm mặn

Theo các chuyên gia thủy sản và hộ nuôi thủy sản ở huyện Trà Ôn cho hay, để hạn chế thủy sản nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại do nguồn nước bị nhiễm mặn thì vấn đề cơ bản là người nuôi cần thường xuyên theo dõi các thông tin diễn biến về xâm nhập mặn trên báo, đài; đo và kiểm tra độ mặn nước trong ao nuôi thường xuyên, tránh thả giống nuôi khi nguồn nước có độ mặn cao hơn 3‰ và bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi.

Đối với thủy sản nuôi ao chưa đạt kích cỡ thương phẩm thì cần thường xuyên kiểm tra độ mặn trên sông để có kế hoạch thay nước phù hợp khi nguồn nước cấp có độ mặn thấp hơn 3‰; sử dụng máy bơm để cấp nước vào ao nuôi khi nguồn nước có độ mặn thấp (dưới 3‰).

Khi độ mặn tăng cao từ 7‰ trở lên, nên giảm khẩu phần ăn cho thủy sản nuôi; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học nhằm cải thiện chất lượng nước, đáy ao nuôi, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất nhằm tránh việc thay nước thường xuyên.

Đối với cá tra nuôi, khi độ mặn trên 8‰ và duy trì lâu hơn 7 ngày thì hạn chế cho ăn, có kế hoạch tiến hành di dời cá nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch đến ao nuôi khác có độ mặn phù hợp, nhằm giảm thiệt hại có thể xảy ra.

Đối với thủy sản nuôi bè, khi nhiệt độ và độ mặn tăng cao thì khả năng khuếch tán oxy từ không khí vào nước giảm, vì mật độ thả nuôi cá trong bè rất cao nên tăng cường sục khí khi nước đứng; giảm mật độ nuôi so với bình thường hoặc san thưa cá nuôi trong bè.

Khi độ mặn tăng cao trên 5‰ và kéo dài 5-7 ngày thì di dời đến nơi có môi trường phù hợp và an toàn cho cá nuôi. Nếu các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, thì các cơ sở nuôi chủ động thu hoạch ngay khi có sự xâm nhập mặn cao, để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

Cũng theo các chuyên gia, bên cạnh chống nóng và xâm nhập mặn, thì người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, trị các loại bệnh thường gặp trên thủy sản nuôi, như bệnh trùng bánh xe, bệnh rận cá, đốm đỏ, bệnh thối mang mòn vây...

Khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường, khó tự phòng, trị thì người nuôi cần báo ngay về phòng nông nghiệp-PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản để được hướng dẫn hỗ trợ xử lý kịp thời.

Theo MỸ TRUNG (Báo Vĩnh Long)