Vĩnh Long: Giải pháp "cứu" đầu ra cho nông sản

13/11/2020 - 15:36

Xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sơ chế, sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún chưa có sự tập trung đất đai để làm cánh đồng lớn nên thiếu sự đồng đều và khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm,… là những khó khăn thách thức cố hữu khiến việc kết nối tiêu thụ nông sản gặp khó. Vậy giải pháp đặt ra để nông sản không còn “bí” đầu ra là gì?

Để ổn định đầu ra và nâng giá trị gia tăng cho nông sản, cần tăng cường liên kết giữa các nhà.

Điểm yếu cố hữu

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ĐBSCL đang là một khu vực nông nghiệp phát triển. Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang mang lại những cơ hội cho phát triển thị trường nông nghiệp để nâng cao sinh kế cho người nghèo, cơ hội cho sản xuất nông sản chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng và cơ hội để đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, khu vực cũng mắc phải những điểm yếu cố hữu chung của nông nghiệp Việt Nam. Đó là đa phần xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sơ chế, chưa có sự tập trung đất đai để làm cánh đồng lớn cũng như chưa có những chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp của mình.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Bùi Văn Nghiêm cho rằng: Ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức to lớn như: hạn chế về quy mô, trình độ sản xuất, chuỗi giá trị ngành hàng, thiếu sự liên kết, kết nối tin cậy giữa người sản xuất, doanh nghiệp (DN), nhà phân phối với người tiêu dùng.

Trong khi đó, tranh chấp thương mại, gian lận xuất xứ và cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước ngày càng khốc liệt trước làn sóng sản phẩm chất lượng cao nhập về từ EU. Chi phí logistics các mặt hàng nông sản hiện chiếm gần 1/2 giá thành xuất khẩu, công nghệ chế biến- bảo quản nông sản còn hạn chế nên việc xuất khẩu hàng hóa đi xa còn nhiều khó khăn.

GS.TS Nguyễn Đông Phong- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh Phân hiệu Vĩnh Long- cũng cho rằng: Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ và trình độ khoa học công nghệ còn thấp, đặc biệt là khâu bảo quản và chế biến sâu, dẫn đến chất lượng không đảm bảo, cạnh tranh yếu kém, và vì thế mà ngành công thương phải thường xuyên “giải cứu nông sản”.

Theo ông Bùi Văn Chiều- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, đầu ra nông sản địa phương cũng như nhiều tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tiếp diễn ra.

Nguyên nhân là do nông dân làm nông nghiệp truyền thống, nên hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, chưa có liên kết chặt chẽ về vấn đề bao tiêu sản phẩm. Điển hình như sản phẩm cam Trà Ôn. Dù đã có hợp tác liên kết sản xuất, nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa có mà chỉ giao cho thương lái “nay bán giá này, mai bán giá khác”.

Không chỉ cam mà khoai lang, bưởi da xanh, chôm chôm,… cũng “bí” đầu ra. Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước- cho biết: Mặc dù sản phẩm của hợp tác xã đã đạt được các chứng chỉ về VietGAP, Global GAP, truy xuất nguồn gốc hàng hóa,… nhưng hiện đầu ra sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là con đường xuất ngoại. Trong khi chi phí sản xuất cao nhưng sản lượng xuất khẩu lại nhỏ lẻ, nhiều rào cản, khiến nông dân không an tâm sản xuất.

Cần thiết xây dựng chuỗi liên kết

Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, để gia tăng tính bền vững của sản xuất, tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu nông sản, hộ nông dân và DN nông sản cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, bao gồm liên kết theo chiều dọc hay theo chiều ngang, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, nhằm giảm giá thành sản phẩm; từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Liên kết nhiều hơn giữa nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất, nhà chế biến và nhà xuất khẩu còn có thể rút ngắn quá trình sản xuất, giảm thiểu chi phí trung gian, đồng thời có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc nông sản.

“Hiện nay trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, vai trò của thị trường nội địa ngày càng quan trọng, các DN chế biến tiêu thụ nông sản cần xây dựng và phát triển thêm các mối liên kết giữa sản xuất và hệ thống phân phối nội địa, giúp nhanh chóng đưa nông sản đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam.

Dĩ nhiên, không thể không kể đến vai trò của DN trong chuỗi liên kết. Để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ thành công thì vai trò của DN là rất quan trọng. Ở các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, trong mỗi ngành hàng đều có DN dẫn đầu để dẫn dắt thị trường phát triển, nhất là gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu”- GS.TS Nguyễn Đông Phong nói thêm.

Để gỡ khó về đầu ra, ông Nguyễn Ngọc Nhân cho rằng cần phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ nông sản nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tránh tình trạng “được mùa- mất giá”. Đồng thời, ngành chức năng cần vào cuộc hỗ trợ và phát huy vai trò cầu nối giữa DN- hợp tác xã trong chuỗi sản xuất- tiêu thụ nông sản.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL luôn có bước phát triển. Tuy nhiên, nếu để tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường thì rất khó.

Do đó, sự tham gia của các nhà đầu tư, DN, hợp tác xã cùng tham gia với hộ sản xuất là rất quan trọng, cũng như sự phối hợp giữa “6 nhà” (nhà nông- Nhà nước- nhà khoa học- nhà DN- nhà băng- nhà phân phối) là bắt buộc để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. 

Trong các liên kết đó, sự liên kết giữa DN chế biến và hộ sản xuất là rất quan trọng, mang lại lợi ích to lớn cho cả hộ sản xuất và DN, quyết định đến sự đảm bảo ổn định đầu ra và nâng giá trị gia tăng cho nông sản.

Bên cạnh đó, Hiệp ước thương mại tự do Việt Nam- Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra nhiều cơ hội quý báu cho thương mại của Việt Nam nói chung và thương mại nông nghiệp nói riêng.

Do đó, DN cần tận dụng cơ hội này để đầu tư công nghệ hiện đại, xúc tiến nhanh chóng việc xây dựng một chuỗi cung ứng với khả năng truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường quốc tế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Bùi Văn Nghiêm

Với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020, nông nghiệp là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi mà nông sản của chúng ta có thể tiếp cận thị trường gần 500 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm. Ngoài việc tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường EU nhờ ưu đãi thuế suất (về 0%), EVFTA còn tạo động lực cho các DN nông nghiệp thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách đầu tư; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là khâu chế biến và bảo quản.

Tuy nhiên, việc thuế xuất giảm về 0% sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu như nội lực của các DN Việt Nam không được tăng cường trong khi các hàng rào kỹ thuật- phi thuế quan như quy tắc xuất xứ, quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động,... sẽ càng khắt khe hơn.

Theo TRÀ MY (Báo Vĩnh Long)