Danh hiệu “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” ở Bến Tre (1968) - Từ góc nhìn nhân tố bối cảnh lịch sử

23/08/2023 - 09:54

Bến Tre trong những năm kháng chiến chống Mỹ được biết đến là địa phương tiêu biểu đi đầu trong phong trào đấu tranh diệt Mỹ ở Tây Nam Bộ. Đặc biệt trong những năm 1967, 1968 khi tình thế đã có những thay đổi thuận lợi cho lực lượng cách mạng, quân và dân ở Bến Tre từng bước đã có những chiến thắng vang dội về quân sự tác động làm thay đổi tương quan lực lượng. Điều đó làm cho người Mỹ phải xuống thang chiến tranh ở Việt Nam và bước đầu ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris (tháng 5-1968).

A A

Bộ trưởng Xuân Thủy và các cố vấn tại cuộc gặp chính thức giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mỹ tại Paris, ngày 13-5-1968. (Nguồn: Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình, Nhà xuất bản Thông tấn).

Bộ trưởng Xuân Thủy và các cố vấn tại cuộc gặp chính thức giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mỹ tại Paris, ngày 13-5-1968. (Nguồn: Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình, Nhà xuất bản Thông tấn).

Bối cảnh quốc tế Việt - Xô - Trung (1964 - 1968)

Từ giữa thập niên 60 thế kỷ XX, mối quan hệ Xô - Trung chuyển từ không công khai sang công khai, mâu thuẫn giữa hai đảng trở thành sự đối đầu giữa hai quốc gia. Tháng 11-1964, Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc) sang thăm Tổng Bí thư Brezhnev (Liên Xô) với mong muốn cải thiện quan hệ hai nước. Tuy nhiên, tình hình hai bên vẫn không có chuyển biến tốt đẹp. Tháng 1-1967, Hồng vệ binh Trung Quốc bao vây Đại sứ quán Liên Xô làm cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước càng phức tạp thêm.

Đối với Việt Nam thì sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (1964) mà người Mỹ âm mưu dựng lên để đánh miền Bắc, Liên Xô đã thay đổi về nhận thức và chính sách đối với Việt Nam. Từ năm 1965, Liên Xô bắt đầu tăng cường viện trợ cho Việt Nam, làm cho quan hệ hai nước được cải thiện và phát triển. Từ ngày 10 đến 17-4-1965, đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Liên Xô nhằm tìm kiếm sự cam kết giúp đỡ Việt Nam chống Mỹ. Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Nếu Hoa Kỳ tăng cường xâm lược chống Việt Nam, trong trường hợp cần thiết và nếu Việt Nam yêu cầu, chính phủ Liên Xô sẵn sàng cho phép những công dân Xô Viết có nguyện vọng đến Việt Nam theo tinh thần quốc tế vô sản để chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, bảo vệ những thành quả xã hội chủ nghĩa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(1).

 Sự giúp đỡ của Liên Xô tăng dần từ năm 1965 đến năm 1968. Tính đến năm 1967, tổng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam là khoảng 1,5 tỷ rúp (hơn 1,5 tỷ USD). Năm 1968, Liên Xô đã dẫn đầu danh sách các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ cho Việt Nam, với tổng giá trị đạt 542 triệu rúp (582,2 triệu USD)(2).

Trong khi đó, mối quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa Việt Nam và Trung Quốc hình thành trong giai đoạn trước đến giai đoạn này cũng bắt đầu bộc lộ một số mâu thuẫn. Thêm vào đó, quan hệ Xô - Trung có chiều hướng tệ đi và cùng với thay đổi trong chính sách đối ngoại của Liên Xô đã ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam và quan hệ Việt - Trung. Sau năm 1964, quan hệ Xô - Trung chuyển sang đối đầu toàn diện, Trung Quốc thực hiện chiến lược ngoại giao liên kết với Mỹ chống lại Liên Xô và Liên Xô tăng cường viện trợ cho Việt Nam. Trung Quốc lo lắng không muốn Việt Nam và Liên Xô xích lại quá gần, vì vậy cũng tăng cường viện trợ cho Việt Nam. Viện trợ của Trung Quốc trong 2 năm 1967 - 1968 lần lượt là 150 triệu rúp và 205 triệu rúp(3).

Bối cảnh trong nước

Có thể thấy rằng, sự viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc từ năm 1967 đến 1968 đã góp phần tăng cường vũ khí, sức chiến đấu của quân và dân Việt Nam. Bởi nếu không có sự viện trợ vũ khí của Liên Xô, Trung Quốc thì rất khó để cách mạng miền Nam tạo nên những thắng lợi trên chiến trường. Trên cơ sở của những thắng lợi về quân sự, đặc biệt là sau mùa khô 1966 - 1967, cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho cách mạng miền Nam. Thế và lực của cách mạng có sự chuyển biến tích cực, niềm tin vào thắng lợi của nhân dân được củng cố, tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm kháng chiến chống Mỹ trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Trên trường quốc tế, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế công nhận là người đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1967, Mặt trận đã có cơ quan thường trú ở các nước: Liên Xô, Cuba, Hungary, Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Campuchia, Cộng hòa Ả Rập thống nhất, Algeria, Indonesia... Cương lĩnh chính trị của Mặt trận đã được 41 chính phủ, 12 tổ chức quốc tế, 5 tổ chức khu vực lên tiếng ủng hộ. Tháng 1-1966 tại La Habana (Cuba), Hội nghị nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược, coi đoàn kết với Việt Nam và “việc bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là nhiệm vụ trung tâm của cách mạng các nước Á - Phi - Mỹ Latinh”(4).

Trong khi đó, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và Đông Dương được thành lập vào giữa năm 1967 theo sáng kiến của nhà bác học Anh - Bertrand Russel và tội ác chiến tranh của Mỹ được phanh phui trong hai phiên tòa tổ chức sau đó (năm 1967), là một bằng chứng về sự cô lập đó của Mỹ. Dựa trên thế và lực của Việt Nam đã có những bước phát triển mới, Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành lần thứ 13 (1-1967) đề ra chủ trương sáng suốt, quyết định mở thêm mặt trận mới về ngoại giao nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ sâu rộng và mạnh mẽ của thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ.

Tháng 7-1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh các chiến trường gấp rút triển khai mọi mặt chuẩn bị, bắt tay xây dựng các phương án, các kế hoạch tác chiến. Chủ động mở các đợt hoạt động quân sự trong Thu Đông 1967, nhằm đẩy lực lượng quân đội Mỹ, đồng minh và quân đội Sài Gòn vào thế bị động, tạo ra thế và lực mạnh cho cách mạng miền Nam.

Từ ngày 20 đến 24-10-1967, Bộ Chính trị tiếp tục bàn cụ thể hơn về chủ trương, kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhận định rằng: Mỹ đang thất bại về chiến lược, chiến thuật và chiến dịch, cả quân sự, chính trị và ngoại giao. Điều kiện lúc này cho phép để ta thực hiện một phương thức tấn công, một cách đánh mới có hiệu lực cao nhằm làm thay đổi tình hình, thay đổi cục diện, chuyển hướng chiến lược trên chiến trường miền Nam.

Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp và ra nghị quyết về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nghị quyết của Bộ Chính trị sau đó được Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp (tháng 1-1968) nhất trí thông qua. Trung ương Đảng hạ quyết tâm “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tổng công kích và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”(5). Do chúng ta tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong điều kiện lực lượng quân đội Mỹ, đồng minh và quân đội Sài Gòn còn trên 1 triệu quân và có tiềm lực chiến tranh lớn, nên cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang trên các chiến trường chính và nổi dậy của nhân dân các đô thị lớn là hai mũi tiến công chính kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau và thúc đẩy toàn cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa khắp cả ba vùng đô thị, nông thôn, đồng bằng và rừng núi.

Tổng Bí thư Lê Duẩn cho rằng, về đánh quân Mỹ trong và chung quanh căn cứ ở miền Nam có ba cách đánh: Đánh bằng đặc công, có phối hợp hay không phối hợp với hỏa lực, với lực lượng xung kích; Pháo kích từ ngoài vào; Đánh bằng các vành đai diệt Mỹ của du kích và bộ đội địa phương. Ba cách đánh này, trong thời gian qua, đã tiêu hao, tiêu diệt khá nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ. Đó là những cách đánh rất sáng tạo, thể hiện tinh thần dũng cảm tuyệt vời và trình độ kỹ thuật, chiến thuật rất cao của lực lượng vũ trang nhân dân ta”(6).

(Còn tiếp)

Theo TS. ĐỖ CAO PHÚC (Báo Đồng Khởi)

---------------------------

(1) Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Liên Xô (1982), 30 năm quan hệ Việt Nam - Liên Xô (1950 - 1980), Nxb. Tiến Bộ, Hà Nội, tr.117-118.

(2) Ilya Gaidyk (1996), The Soviet Union and the Vietnam War, Ivan R. Dee Publisher, Chicago, page 58.

(3) Đặng Thúy Hà (2018), Nhân tố Liên Xô trong quan hệ Việt - Trung (1950 - 1979), Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Số 12 (208)/2018, tr.34-44.

(4) Nguyễn Văn Nhật (2017) Lịch sử Việt Nam, Tập 13: từ 1965 đến 1975, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.197.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2004) Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 29, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.50.

(6) Lê Duẩn (2008), Tuyển tập (1965 - 1975), tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.