Ông Phan Trung Việt làm chủ cơ sở sản xuất lươn giống ở ấp Long Sơn 1.
Người dân ở xã Long Thạnh đa phần sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, cơ sở hạ tầng nông thôn còn chưa được đầu tư đồng bộ, thu nhập chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới, nhiều tuyến đường, cầu nông thôn được đầu tư, nâng cấp, lưu thông thuận tiện, việc kết nối giao thương dần khởi sắc. Đảng bộ, chính quyền xã Long Thạnh xác định bước tiếp theo trong quá trình cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân là tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật và học hỏi, tìm tòi cái mới để mạnh dạn áp dụng trên chính mảnh đất của mình tạo ra giá trị tăng thêm.
Ở ấp Long Sơn 1, nhắc đến nuôi lươn thì nhiều người biết tới ông Phan Trung Việt, bởi ông là một trong những hộ nuôi lươn đầu tiên ở ấp và sở hữu một cơ sở sản xuất lươn giống cho riêng mình. Cách đây 2 năm, gia đình ông Việt chỉ thuần làm vườn, trồng cây ăn trái là chủ yếu. Sau khi đi học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nhiều nơi, ông Việt mạnh dạn khởi đầu nuôi lươn với 2 bể xi măng và 4.000 con giống. Vốn ban đầu ở thời điểm đó trên 20 triệu đồng. Vừa học hỏi, rút kinh nghiệm sau gần một năm thả nuôi, ông bán được gần 80 triệu đồng. Nhìn thấy tiềm năng phát triển và nhân rộng của loại vật nuôi này, ông Việt mở rộng thêm lên 4 bể lươn thịt và tự sản xuất giống cung ứng ra thị trường.
Đến nay, cơ sở sản xuất lươn giống của ông Việt bán ra thị trường trung bình trên 50.000 con giống mỗi tháng. Thời gian gần đây, nhiều bà con chuyển sang nuôi lươn do đầu ra ổn định, dễ nuôi và không đòi hỏi diện tích rộng. Giá lươn giống cũng tăng cao, loại 500 con/kg hiện có giá 6.000-6.500 đồng/con, tăng 2.000 đồng/con so với cùng kỳ. Cơ sở lươn giống của ông trở thành địa chỉ đáng tin cậy của nhiều hộ nuôi lươn trong và ngoài địa phương. Bởi ông Việt luôn hướng dẫn và tư vấn nhiệt tình, nhất là đối với hộ khó khăn, muốn khởi nghiệp từ nghề nuôi lươn thương phẩm. Ông khuyến khích nhiều người đến tận nơi để thấy tận mắt, nắm rõ kỹ thuật rồi mới nuôi thử một bể ban đầu cho nhẹ vốn. Sau khi thu lời từ bể này mới tiếp tục nhân rộng lên dần.
Bên cạnh chăn nuôi, người dân địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định. Một số loại cây trồng được nhiều người lựa chọn như chanh không hạt, sầu riêng, mít Thái… Trong đó, chanh không hạt được xem là một trong những loại cây dễ trồng nhẹ công chăm sóc, tốn ít chi phí phân thuốc mà lợi nhuận đem lại khá cao. Anh Mai Quốc Mừng, ở ấp Long Sơn 2 cũng là một trong những hộ đã chuyển đổi đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả thành vườn chanh không hạt cách đây vài năm. Ban đầu khi chuyển thử hơn 3,5 công, năng suất đã đạt gần 2 tấn/công. Với giá bán trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, anh thu lợi gần 20 triệu đồng/công. Lợi nhuận gấp mấy lần làm lúa nên dần dà anh chuyển đổi và mở rộng thêm diện tích, đến nay có gần 20 công đất trồng chanh không hạt đang giai đoạn cho trái hàng tháng, thu nhập gia đình từ đó luôn ổn định và nâng cao thấy rõ.
Ông Phạm Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho hay: Xã xây dựng những mô hình sản xuất mới tùy theo đặc điểm của mỗi ấp, các mô hình nuôi lươn, nuôi bò, ba ba, trồng chanh không hạt, mít Thái, sầu riêng… Sau thời gian vận động chuyển đổi, hỗ trợ sản xuất, những mô hình này trở thành nền tảng để nhân rộng, định hướng công ăn việc làm cho những hộ còn khó khăn. Các cán bộ luôn tìm hiểu sâu sát nhu cầu và điều kiện của mỗi hộ nghèo để có tư vấn thích hợp, sử dụng hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Song song đó, địa phương còn quan tâm đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó thu nhập bình quân đầu người tăng dần và kéo tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 3,9%.
Theo THIÊN NGỌC (Báo Hậu Giang)