Nghệ nhân Nguyễn Tấn Lộc làm giàu từ kiểng bonsai. Ảnh: Bảo Tùng
Nghề làm giàu
Hiện tại, trong các loại hình sản xuất hoa kiểng nói riêng và các hình thức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Lách nói chung thì kiểng bonsai có lẽ là một trong những hình thức canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Hiện tại, mỗi cây kiểng bonsai thành phẩm có giá dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Anh Nguyễn Minh Duy ở ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành là nghệ nhân đã ăn nên làm ra với loại hình sản xuất kiểng bonsai từ nhiều năm qua. Chỉ tính riêng năm 2017, anh xuất bán hơn 150 cây kiểng bonsai, mang về thu nhập cho gia đình gần 500 triệu đồng. Anh Duy cho biết, cách nay hơn 10 năm, sau một lần tham quan mô hình sản xuất kiểng bonsai ở TP. Hồ Chí Minh, anh đã quyết định làm thử. Qua hơn 2 năm, anh đã hoàn thành đợt bonsai đầu tiên với hơn 30 sản phẩm chế tác bằng cây linh sam và mai chiếu thủy. Lúc đó, anh Duy bán được 20 cây kiểng bonsai với giá hơn 1 triệu đồng/cây, sau khi trừ chi phí, anh còn lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Nhận thấy đây là một mô hình hiệu quả nên anh quyết tâm gắn bó với nghề này cho đến nay. Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh Duy có hơn 1.000 cây kiểng bonsai với các chủng loại như: linh sam, mai chiếu thủy, nguyệt quế và kim quýt... Trong đó, có nhiều cây giá trị lên đến gần 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tấn Lộc - một nghệ nhân kiểng bonsai kỳ cựu ấp Vĩnh Nam, xã Vĩnh Thành cho biết: Một cây kiểng bonsai có giá trị từ vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Lộc là từ kiểng bonsai. Mỗi năm, chủng loại này mang về cho ông nguồn thu nhập ổn định trên dưới 200 triệu đồng. Ông Lộc cho biết, mỗi năm, ông sản xuất hơn 100 cây kiểng bonsai các loại; trong đó, chủ yếu là bonsai phong cách, cây phá thế... Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho biết thêm, kiểng bonsai không phải là loại hình dễ làm, ngoài sự đam mê đòi hỏi nghệ nhân phải có kiến thức và tay nghề nhất định. Để tạo ra một sản phẩm kiểng bonsai hoàn chỉnh cần thời gian nuôi trồng và tạo dáng ít nhất từ 3 - 4 năm, có khi mất hàng chục năm đối với những cây có giá trị cao.
Cơ hội người trẻ khởi nghiệp
Hiện tại, trên địa bàn toàn huyện có 268 nghệ nhân sinh vật cảnh tham gia sản xuất, kinh doanh kiểng bonsai; trong đó, có gần 60% là nghệ nhân trẻ. Với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, sáng tạo, đa phần những nghệ nhân trẻ đã có những thành công nhất định, chế tác ra nhiều sản phẩm chất lượng, đạt giải cao trong các cuộc thi kiểng bonsai trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo tiếng vang cho sản phẩm kiểng bonsai của địa phương, đồng thời đã tạo được phong trào phát triển kinh tế từ sản xuất kiểng bonsai.
Tìm đến cơ sở sản xuất kiểng bonsai của nghệ nhân Lê Ngọc Trọn ở thị trấn Chợ Lách, chúng tôi rất ngỡ ngàng. Chỉ mới 30 tuổi nhưng anh Trọn đã sở hữu một căn nhà khang trang và vườn kiểng bonsai hơn 1.000m2 với đầy đủ các chủng loại như linh sam, tùng, sam ngọc, sam hương, trắc, cẩm thị, hải châu, mai chiếu thủy. Mỗi sản phẩm có giá thấp nhất khoảng 2 triệu, cao nhất khoảng 40 triệu đồng.
Anh Trọn đến với nghệ thuật kiểng bonsai khi chưa tròn 15 tuổi. Ban đầu, anh chỉ tập sửa và xem đây là một thú vui chứ không hề nghĩ sẽ chọn nghề này để làm nghề chính cho bản thân. Khoảng năm 2007, khi một số cây kiểng của anh bán được với giá gần 20 triệu đồng, từ đó anh mới nghĩ đến việc sản xuất với quy mô lớn để bán. Hiện tại, trung bình mỗi năm, anh Trọn sản xuất thành phẩm 150 cây kiểng bonsai các loại, thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Cũng như anh Trọn, anh Trần Huyền Vũ - Cơ sở kiểng bonsai Út Vũ ở ấp Nhơn Phú, xã Hòa nghĩa cũng là một trong những điển hình khởi nghiệp thành công từ kiểng bonsai. Tuy nhiên, mô hình của anh Vũ có khác là anh chỉ tập trung phần nhiều vào cây linh sam. Theo anh Vũ, hiện anh đang sở hữu hơn 300 cây bonsai linh sam các loại. Anh Vũ đến với nghề cây kiểng qua lớp học nghề cho thanh niên ở địa phương. Ngoài sản xuất kiểng bonsai thành phẩm, cơ sở của anh Vũ cũng là nơi cung cấp cây linh sam giống với số lượng khá lớn, hơn 1 triệu nhánh mỗi năm, thu về hơn 100 triệu đồng.
Phong trào sản xuất và kinh doanh kiểng bonsai trên địa bàn huyện phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Điều đáng phấn khởi là tay nghề nghệ nhân ngày càng được nâng cao, sản xuất được nhiều sản phẩm giá trị. Đặc biệt, ngoài thế hệ nghệ nhân lão thành thì lớp nghệ nhân trẻ không ngừng tăng lên, nhiều nghệ nhân trẻ đạt giải cao ở các cuộc thi bonsai khu vực và TP. Hồ Chí Minh. Hiện huyện có nhiều nghệ nhân trẻ sở hữu vườn kiểng trị giá hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
(Ông Trần Minh Mẫn - Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện)
|
Theo Báo Đồng Khởi