Đáng quan tâm là hiện nay nghề nuôi chim yến lại phát triển nhanh tại các khu đô thị, khu dân cư đông người dẫn đến ô nhiễm môi trường và phát sinh tiếng ồn, ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Từ một vài hộ ban đầu, đến nay số hộ nuôi chim yến tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời đã lên đến hơn trăm hộ. Những hộ dân sinh sống tại đây dù đã quá quen với âm thanh phát ra của loài chim yến từ những hộ nuôi lân cận, thế nhưng đôi khi họ cũng cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, nhất là đối với người cao tuổi...
Vẫn còn nhiều nhà yến phát sinh ngay trong khu vực nội ô TP Cà Mau. Ảnh: Lê Chí (Báo Cà Mau).
Sở dĩ nghề nuôi chim yến phát triển nhanh tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) những năm gần đây là do việc đánh bắt thủy sản của người dân ngày càng khó khăn. Thay vì tập trung vốn đầu tư cho mỗi chuyến biển thì nhiều ngư dân lại có xu hướng phát triển kinh tế trên đất liền, cụ thể là nuôi chim yến.
Theo tìm hiểu, phần lớn nhà để nuôi yến tại Sông Đốc chủ yếu được nâng cấp từ nhà ở trước đó của các hộ dân, chỉ một số ít xây mới hoàn toàn. Có hộ nuôi đạt hiệu quả, mỗi tháng cho thu nhập từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng, tuy nhiên, cũng có hộ nuôi cho thu nhập rất thấp.
Một nhà lầu nuôi chim yến ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Không riêng thị trấn Sông Đốc, nhiều đô thị khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng phát triển nhanh nghề nuôi chim yến, nhất là tại thành phố Cà Mau. Việc người dân nuôi chim yến tự phát khiến cho việc quản lý dịch bệnh của cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn.
Tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến tại tỉnh Cà Mau là rất lớn, tuy nhiên, để nghề này phát triển mang tính bền vững cần thiết phải xây dựng quy hoạch vùng nuôi phù hợp. Bởi đây không chỉ là cơ sở giúp ngành chức năng quản lý tốt vấn đề dịch bệnh, môi trường, tiếng ồn và đem về khoản thu cho ngân sách Nhà nước mà còn giúp hộ nuôi yến được thụ hưởng các chính sách ưu đãi với nghề, hướng đến xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Theo ctvcamau.vn