Đồng bằng sông Cửu Long: Ngành mía đường gặp khó

17/04/2018 - 08:53

Chưa bao giờ những nông dân trồng mía ở các tỉnh ĐBSCL ngán ngẩm cây mía như hiện nay, bởi giá mía xuống thấp và khó tiêu thụ. Những ngày qua đã có không ít ruộng mía ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An... khô héo trên đồng nhưng nông dân chưa bán được vì thương lái hạn chế thu mua. Dân trồng mía đang trải qua một vụ mùa kém vui...

Mía giảm giá mạnh khiến nông dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thua lỗ nặng.

Thua lỗ vì rớt giá

Lâu nay, huyện Cù Lao Dung là nơi chuyên canh cây mía lớn nhất tỉnh Sóc Trăng và thuộc dạng nhất nhì khu vực ĐBSCL. Vào tháng 4, tháng 5 là cao điểm thu hoạch mía cuối vụ tại xứ cù lao này, thế nhưng không khí vụ mùa năm nay vô cùng ảm đạm. Ông Diệp Thái Hiệp, canh tác 15 công mía ở xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, chua chát nói: “Hàng chục năm trồng mía nhưng chưa bao giờ nông dân khốn khổ như vụ này. Thông thường sau Tết Nguyên đán là khu vực này vào vụ thu hoạch mía, nhưng năm nay mía đã tới lứa đốn vậy mà chờ mãi không thấy nhà máy hay thương lái thu mua. Nóng lòng nên tụi tôi chạy đi tìm thương lái kêu bán mía, nhưng họ trả giá quá thấp chỉ 500 đồng/kg (tại ruộng). Giá này tính ra không có lời, nhưng nếu treo mãi trên đồng thì mía bị khô héo, mặn xâm nhập gây thiệt hại… Vì vậy, buộc lòng phải bán tháo; cuối cùng thua lỗ khoảng 25 triệu đồng”.

Cùng tâm trạng trên, ông Đặng Văn Chí, ngụ xã An Thạnh 2, cho biết: “Vụ này, gia đình tôi canh tác 10 công mía. Cách nay hơn 1 tháng thì mía đã tới ngày thu hoạch nhưng bán không ai mua. Nếu như thời điểm đầu vụ (khoảng tháng 11-2017), mía có giá 700-900 đồng/kg, nay kêu bán chỉ 450-550 đồng/kg mà thương lái vẫn chê. Thấy tình hình quá khó nên tôi thuê nhân công đốn mía và chở đi Sóc Trăng tiêu thụ. Tính ra lỗ mỗi công hơn 1 triệu đồng, chưa kể mất thời gian chăm sóc gần 1 năm vất vả”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, trong 6.300ha mía của vụ này thì đến nay nông dân trong huyện mới bán được hơn 50% diện tích. Tình hình thu hoạch rất chậm do thương lái và nhà máy ít thu mua, dù giá rớt. Hiện thời ở các xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thanh Đông, An Thạnh Nam… hàng loạt diện tích mía đã quá lứa thu hoạch, chín trên đồng, nhưng nông dân rất khó bán, dù ai cũng nóng lòng.

Tại Trà Vinh, Long An… nhiều nông dân trồng mía cũng lao đao vì giá thấp và khó bán. Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cho biết toàn huyện có hơn 4.000ha mía, dù nhiều ruộng mía đã quá ngày thu hoạch khá lâu nhưng nông dân chỉ mới tiêu thụ được khoảng 50% diện tích. Theo nhiều nông dân tính toán, vụ mía năm nay bà con đầu tư chi phí khoảng 50-60 triệu đồng/ha, nhưng do giá mía thấp, chữ đường giảm, tiêu thụ chậm… khiến nông dân trồng mía bị lỗ bình quân từ 10-20 triệu đồng/ha.

Ào ạt phá bỏ ruộng mía

Theo các nhà máy đường ở ĐBSCL, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mía tiêu thụ chậm như hiện nay là do giá đường cát trên thị trường quá thấp, nhưng vẫn khó bán. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), nhìn nhận: “Giá đường cát trên thị trường hiện sụt giảm xuống mức 11.600-12.000 đồng/kg, đây là mức giá rất thấp nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Đường cát sản xuất ra nhưng không bán được, số lượng đường tồn kho ở các nhà máy ngày càng tăng nên các nhà máy không dám mua nhiều mía, thậm chí có nhà máy không đủ tiền để trả tiền mía cho nông dân… Tình hình mía đường năm nay vô cùng ảm đạm”. Một số doanh nghiệp mía đường cũng cho rằng, đường Thái Lan nhập lậu ào ạt qua biên giới là một trong những nguyên nhân kéo giá đường nội địa sụt giảm và khó bán.

Trước những khốn khó của ngành mía đường, hiện nay nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL ào ạt bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng cây khác. Ông Đặng Quốc Huy, hộ trồng mía lâu năm ở huyện Cù Lao Dung, than thở: “5 công mía vừa thu hoạch xong bị lỗ nặng, ngoài ra tình hình cây mía không sáng sủa. Vì vậy, gia đình tôi đang thuê kobe phá bỏ toàn bộ ruộng mía, đào ao chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng”.

Còn ông Diệp Thái Hiệp (ở xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung) thì sau khi bán mía bị lỗ, lâm nợ nên ông quyết định nghỉ trồng mía và cho thuê đất để đi làm việc khác. Theo ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, tính toán sơ bộ sau vụ mía này có khoảng 900ha đất mía được nông dân phá bỏ để đào ao nuôi thủy sản hoặc trồng cây ăn trái, rau màu… Trước đây, huyện Cù Lao Dung có hơn 8.000ha mía (đứng đầu tỉnh Sóc Trăng), nhưng nay diện tích ngày càng giảm và huyện chỉ cố gắng giữ lại khoảng 5.000ha, bởi hiệu quả kinh tế của cây mía mang lại không cao…

Tại Trà Vinh, Long An… do thua lỗ và khó tiêu thụ nên nhiều nông dân trồng mía tính toán bỏ cây mía để trồng cây khác hoặc nuôi thủy sản sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, ở ĐBSCL việc nuôi tôm cho hiệu quả cao nhưng cũng lắm rủi ro và đòi hỏi vốn đầu tư lớn; trong khi nông dân trồng mía thường thiếu vốn nên không phải ai cũng nuôi tôm được. Đối với các loại cây khác cũng đòi hỏi đất đai màu mỡ, thủy lợi hoàn chỉnh, điều kiện sản xuất tốt… Ngược lại, cây mía được xem là cây dễ canh tác, ít tốn công chăm sóc, đầu tư thấp… Vì vậy, việc chuyển đổi cây mía cũng đang khiến nhiều hộ phân vân.

Các doanh nghiệp mía đường ở ĐBSCL nhận định: “Năm nay, áp lực đường tồn kho đang đè nặng lên các nhà máy, trong khi giá bán quá thấp nên nhà máy không thể nâng giá mía cao hơn được. Đây là cái khó chung của ngành mía đường, rất cần sự chia sẻ từ nhiều phía”. Theo các nhà chuyên môn, để cây mía vượt qua giai đoạn khó khăn và từng bước phát triển ổn định thì cần thay đổi cơ cấu giống theo hướng chất lượng, năng suất cao; tăng cường liên kết giữa nông dân với nhà máy để hình thành “cánh đồng lớn”; áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí giá thành, tăng sức cạnh tranh. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tình trạng đường nhập lậu vào nội địa bán giá thấp “đè” đường trong nước. Bên cạnh đó, những nhà máy đường đẩy mạnh đầu tư mới công nghệ, mở rộng công suất hoạt động… đưa ngành mía đường từng bước hội nhập, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Theo HƯNG TÂN (Báo Hậu Giang)