Tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có vườn dừa chuyên canh gần 100.000 ha, đứng đầu cả nước. Ở các vùng nông thôn tỉnh Tiền Giang, trái dừa khô nằm ngổn ngang ngoài lề đường, sân nhà của nông dân. Đầu ra của trái dừa khô trong nhiều tháng qua rất khó khăn.
Ông Vưu Châu Tỷ, nhà vườn xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho cho biết, nhà vườn bán quả dừa khô chỉ được giá từ 25.000- 30.000 đồng/chục (12 quả), thậm chí ở vùng hẻo lánh không có thương lái đến thua mua. Do đó, nhiều nhà vườn dự trữ lại dừa khô để chờ giá lên, không ít quả dừa đã nảy mầm phải vứt bỏ. Giá dừa khô hiện nay thấp nhất trong 3 năm qua.
“Khắp vùng quê, bây giờ dừa khô nảy mầm không ai mua hết. Hiện tại, nhà dân chứa đầy dừa mà bán ngoài chợ không ai mua. Các lò bánh ít xưa nay rất cần dừa nhưng nay cũng không mua. Ở thời điểm này lỗ rất nặng, thí dụ như một cây dừa thu hoạch tiền công gần 20.000 đồng nhưng hái dừa xuống bán không được” – ông Tỷ nói.
Nhà vườn tỉnh Tiền Giang lo ngại trái dừa khô ế ẩm.
Tỉnh Bến Tre có hơn 70.000 ha dừa chuyên canh. Giá dừa khô nhà vườn chỉ bán được trên 30.000 đồng/chục, có hàng triệu quả dừa khô đang ứ đọng do nhà vườn trữ lại chờ lên giá. Trái dừa khô ở Bến Tre - Tiền Giang sụt giảm là do “đụng hàng” với các nước có diện tích vườn dừa lớn trên thế giới như: Ấn Độ, Malaysia, Philippines.
Tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, diện tích vườn dừa trồng manh mún, giá thành cao; khâu liên kết với doanh nghiệp chưa mạnh nên khi dừa sụt giá thì ảnh hưởng đến đời sống người trồng loại trái cây này.
Do đó, để trái dừa khô có đầu ra ổn định thì việc liên kết với doanh nghiệp trong việc trồng và tiêu thụ dừa cần được tiếp tục nhân rộng. Tại tỉnh Bến Tre, khi nhà vườn có liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh thì nhà vườn vẫn bán sản phẩm với giá khoảng 50.000 đồng/chục, cao khoảng 30% so với giá dừa trên thị trường.
Các thương lái thu mua trái dừa ở tỉnh Bến Tre với giá chỉ hơn 30.000 đồng/chục.
Ngoài ra, nhà vườn cần phải đầu tư, chăm sóc cho vườn dừa đạt năng suất cao, chất lượng trái tốt; áp dụng các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa để giảm chí phí sản xuất, tăng thu nhập cộng hưởng. Về phía chính quyền địa phương nên kêu gọi đầu tư, xây dựng thêm các nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái dừa để tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ.
“Để đảm bảo thu nhập ổn định, bà con trồng dừa nên hợp tác với các doanh nghiệp, để doanh nghiệp và người trồng dừa có mối liên kết với nhau trong vấn đề giá tiêu thụ. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp dừa có đặt mối liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ liên kết, những tổ này sẽ phát triển càng mạnh hơn để làm đầu mối tiêu thụ dừa cho bà con. Bà con hiện có dừa đến tuổi thì nên bán nếu chúng ta để lại lâu thì sẽ nẩy mầm, ảnh hưởng đến chất lượng chế biến” - ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp Hội Dừa tỉnh Bến Tre nói.
Cùng với cây lúa, con tôm, con cá, cây dừa cũng là nguồn lợi kinh tế của người dân nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Do đó, để cứu vãn trái dừa khô đang rớt giá như hiện nay cần có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía, nhất là khâu liên kết sản xuất giữa nhà vườn và doanh nghiệp trong việc trồng và tiêu thụ hướng đến sự bền vững.
Theo NHẬT TRƯỜNG (VOV)