Nỗi buồn giá lúa
Ngồi lặng lẽ, ông Bùi Văn Hồng (nông dân xã Núi Voi, Tịnh Biên) không giấu được sự trầm ngâm. Làm sao ông Hồng có thể vui khi 80 công lúa đang cận ngày thu hoạch mà mức giá thương lái thu mua hiện nay ở mức 3.900 - 4.000 đồng/kg (giống IR.50404). Ông Hồng chia sẻ: “Mức giá này tụi tui lỗ là cái chắc! Người làm nhiều thì lỗ nhiều, người làm ít lỗ ít. Chuyện nông dân bỏ ruộng phiêu bạt xứ người ngày càng nhiều, bởi chi phí vật tư nông nghiệp tăng đều qua từng mùa, mà giá lúa cứ “lẹt đẹt” như vậy sao sống nổi. Ở cái xứ này, đa phần nông dân cho thuê lại đất hoặc bán đi, rồi kiếm kế mưu sinh bằng con đường khác. Khổ nổi, nông dân bỏ lúa cũng chỉ đi làm thuê, chứ biết mần gì bây giờ!”
Lúa chín vàng đồng nhưng giá thị trường lại thấp khiến nông dân lo lắng
Theo ông Hồng, giá lúa như hiện nay khiến ông lỗ khoảng 100 triệu đồng khi bán cho thương lái. Làm sao ông có thể chấp nhận những “hạt ngọc trời” mà mình phải tảo tần “một nắng hai sương” mới có được lại rớt giá thê thảm như thế. Không riêng gì ông Hồng, hầu hết nông dân thuộc vùng sản xuất có diện tích khoảng 1.177ha này tại xã Núi Voi buộc phải bán lúa trong thời điểm 10-20 ngày tới. Họ chăm chú theo dõi giá lúa qua truyền hình, qua điện thoại rồi lắc đầu ngao ngán. Có lặn lội, vất vả nơi đồng xa như ông Hồng và những nông dân khác mới hiểu hết “vị đắng” của hạt lúa thời điểm này.
“Vụ đông xuân rồi, giá lúa thấp nhưng được năng suất khá nên nông dân còn "kiếm ăn" được. Vụ này chỉ được 6 - 7 bao lúa/công, tính ra chưa đến 500kg thì chưa đủ tiền trả vật tư nông nghiệp cho đại lý, đừng mong dư đồng nào mang về nhà. Hiện giờ, tiền vốn sản xuất của tui tầm 2,2 triệu đồng/công, nhưng giá lúa 4.000 đồng/kg thì bán ra chỉ được 2 triệu đồng. Thiệt tình, nông dân chỉ biết cắn răng mà chịu! Vừa rồi, có người trồng 12 công lúa, lúc bán xong chỉ được 14 triệu đồng, nản quá phải bỏ đi Bình Dương làm thuê” - ông Hồng thật tình.
Quá lệ thuộc vào thương lái
Chuyện giá lúa rớt như hiện nay đến từ nhiều nguyên nhân. Nhưng trực tiếp nhất là do nông dân quá lệ thuộc vào thương lái. Đây không phải là chuyện cục bộ của 1.177ha lúa ở xã Núi Voi, mà đó là nỗi khổ chung của người nông dân ở ĐBSCL hiện nay. Nông dân không thể định đoạt giá lúa mà tất cả đều lệ thuộc vào những người ở khâu trung gian nhưng lại có quyền quyết định rất lớn, đó là thương lái.
Ông Nguyễn Văn Tình (nông dân xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) thẳng thắn: “Thương lái có “quyền” dữ lắm, bởi mình không bán cho họ thì chẳng thể bán cho ai. Tụi tui trồng lúa theo “số đông”, cùng một diện thì phải cùng giống lúa. Thương lái thu mỗi lần cả trăm công mà chỉ mua một giống duy nhất, nếu mình trồng giống lúa khác thì họ sẽ không mua. Mà nếu có thì họ mua “lùa”, các giống lúa đều một mức giá bằng nhau. Ngặt nỗi, không bán cho thương lái thì bán cho ai? Trong khi làm ăn với doanh nghiệp có quá nhiều yêu cầu về chất lượng mà lắm khi nông dân không theo kịp”.
Ông Tình cho biết thêm, thương lái có những “cò” lúa rải đi khắp cánh đồng khi đến kỳ thu hoạch. “Cò” sẽ là người ra giá mua lúa, định đoạt ngày giờ thu hoạch. Nông dân chỉ biết "răm rắp" làm theo, bởi đã nhận tiền đặt cọc 200.000 đồng/công. Giá lúa lên thì thương lái "hí hửng" bởi họ đã “đặt cọc” mức giá đó, nông dân sẽ không thể nâng giá được. Nếu giá lúa xuống thì thương lái “xin” nông dân “bớt chút chút”, không được thì họ “bỏ cọc”. Nông dân sẽ không thể bán lúa cho người khác vì các “cò” đã phân chia địa bàn hoạt động, khu vực nào bán cho thương lái đó. Nông dân là người trực tiếp làm ra hạt lúa nhưng lại không thể tự định đoạt giá bán nên thiệt thòi thuộc về họ là điều tất yếu.
“Chúng tôi mong mỏi cấp tỉnh, cấp trung ương có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ nâng giá lúa như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân vụ đông xuân trước. Để tình trạng giá lúa như hiện nay thì hầu hết nông dân sẽ điêu đứng, bởi chúng tôi đã vất vả làm ra hạt lúa, mà khi bán đi lại chẳng thể nuôi sống được gia đình”- ông Tình mong mỏi.
Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam nhận định: “Do sản xuất không có sự liên kết bền vững đã đẩy người nông dân vào tình cảnh lúa mất giá, cũng như lệ thuộc quá nhiều vào thương lái như hiện nay. Thực tế, nông dân và doanh nghiệp phải ngồi lại cùng nhau, cùng chia sẻ lợi ích thì mới có thể tồn tại trong thời điểm hoạt động xuất khẩu gạo đang chuyển sang hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tích cực hỗ trợ nông dân nâng tầm hạt gạo Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường thì mới tránh được tình trạng "ứ đọng" dẫn đến mức giá quá thấp như hiện nay”
|
THANH TIẾN