Giải bài toán thiếu vốn của doanh nghiệp nông sản đồng bằng sông Cửu Long

14/12/2022 - 08:55

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long lâm vào tình cảnh khó khăn về nguồn vốn. Sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền và các ngân hàng sẽ là lời giải cho bài toán thiếu vốn để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Người dân thu hoạch cá kèo tại xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Phụ thuộc vào nguồn tín dụng của các ngân hàng cho nên để không bị ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có biện pháp hỗ trợ về lãi suất cũng như có các gói tín dụng phù hợp dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy mới thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Doanh nghiệp, nông dân gặp khó

Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú có sản phẩm xuất hiện tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Lê Văn Quang, do lạm phát tăng trên toàn thế giới, người dân một số quốc gia giảm chi tiêu dẫn đến việc xuất khẩu của công ty gặp khó khăn. Nhiều hợp đồng với các đối tác nước ngoài được ký nhưng khách hàng đề nghị tiếp tục trữ hàng tại Việt Nam, trong khi kho hàng của công ty không còn chỗ chứa.

Do áp lực về tài chính, công ty đề nghị giảm giá sản phẩm với đối tác nhưng không được. Hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp đối mặt áp lực về duy trì sản xuất, kinh doanh, trả lương cho nhân viên. Quan trọng hơn, công ty phải giảm giá mua nguyên liệu, từ đó người nông dân sẽ bị thiệt thòi.

“Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp phải tìm cách mua hàng cho người nông dân. Chúng tôi mong muốn có chính sách giúp doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất phù hợp để duy trì sản xuất. Nếu lãi cao thì doanh nghiệp cũng không dám vay. Chúng tôi chấp nhận thua lỗ, nhưng cần phải cứu người nông dân”, ông Quang chia sẻ.

Cũng gặp khó khăn về vốn sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra ở tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành cá tra đồng bằng sông Cửu Long mang lại doanh thu xuất khẩu và ngoại tệ lớn cho cả nước. Con số này dự kiến lên đến 2,5 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp cá tra gặp khó khăn về vốn khi nguồn vốn vay bị siết chặt, lãi suất ngân hàng tăng.

Vấn đề thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng trở thành nỗi lo chung của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo Công ty TNHH Quốc Thảo (tỉnh Vĩnh Long), một doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu cho rằng, vấn đề là làm sao vốn đến tay người nông dân. So với một số nước thì tiềm lực sản xuất nông nghiệp chúng ta không thua kém nhưng vấn đề về tiếp cận vốn khiến chúng ta vẫn đi sau họ.

Theo lãnh đạo một số công ty nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, hiện tại, dù đã được hỗ trợ tín dụng nhưng mức hỗ trợ chưa tương ứng với sự tàn phá của khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, lãnh đạo các hiệp hội chế biến, xuất khẩu nông sản cũng cho rằng thủ tục giải ngân của các ngân hàng thương mại còn phức tạp, rắc rối khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

Giải bài toán tín dụng

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước nói chung và tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5%-2% cho toàn hệ thống, tương đương tăng thêm 240.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã có những gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, dù hạn mức tín dụng không còn nhiều nhưng tháng 12/2022, Agribank sẽ dành 2.000 tỷ với lãi suất giảm 20% so với lãi suất bình thường để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Ấn, một vấn đề khiến các doanh nghiệp, người dân làm nông nghiệp khó tiếp cận vốn vay do đây là lĩnh vực dễ gặp rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh. Thời gian tới, Agribank sẽ giao công ty bảo hiểm trực thuộc phối hợp các công ty bảo hiểm nước ngoài để bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp, nông dân và giúp ngân hàng yên tâm hơn khi cho vay.

Theo lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), các ngân hàng luôn nhận rõ mối quan hệ với doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh, cho nên doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng cũng gặp khó. Khi doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào ngân hàng thì ngân hàng sẽ tiếp thu và báo cáo với các cấp có thẩm quyền để giải quyết bài toán về vốn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có nhiều vấn đề cần đặt ra từ phía doanh nghiệp. Nhiều công ty thủy sản và chế biến nông nghiệp phá sản vì hàng tồn kho quá lớn do không dự báo được thị trường. Một số doanh nghiệp khi có lợi nhuận không tái đầu tư sản xuất mà đầu tư lĩnh vực khác. Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước liên quan hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp nhưng chưa mạnh dạn tham gia.

Theo đại diện Vietinbank, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, ngân hàng sẽ có gói tín dụng 5.000 tỷ với lãi suất giảm 20% so với lãi suất thông thường để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn.

Theo HOÀNG PHAN (Nhân dân)