Là con út trong gia đình đông anh chị em, không may bị bệnh sốt bại liệt từ khi còn nhỏ làm đôi chân và 1 tay co quắp, nhưng không vì thế làm anh Nghĩa buông xuôi, buồn tuổi với số phận. Với nghị lực phi thường, anh Nghĩa đã hoàn thành xong chương trình THPT và muốn học thêm một nghề nào đó để có thể phụ giúp gia đình. Biết ở địa phương có mở lớp dạy nghề làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa nên anh Nghĩa đăng ký theo học. Sau khi hoàn thành khóa học, cảm thấy mình không phù hợp với nghề này nên anh Nghĩa tiếp tục đến các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở TP. Hồ Chí Minh để tìm học một nghề phù hợp với mình hơn.
Anh Nghĩa và các sản phẩm làm từ gáo dừa
Sau một thời gian dài vẫn không tìm được nghề phù hợp, anh Nghĩa đành phải quay về nhà và trở lại với nghề cũ… Lúc đầu có một mình nên anh Nghĩa chỉ làm những sản phẩm tranh bằng gáo dừa đơn giản. Năm 2014, anh cùng với vài người bạn mở cơ sở thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa tại nhà cho đến nay. Anh Nguyễn Hữu Thông (người làm chung với anh Nghĩa) cho biết: “Trước đây, tôi cũng làm nhiều việc khác nhau, khi thấy anh Nghĩa làm ra các sản phẩm từ gáo dừa đẹp, bắt mắt nên đến học hỏi. Sau 6 tháng đã cơ bản thành thạo. Bây giờ, tôi làm cùng anh Nghĩa, ngoài việc có thu nhập, còn có thể thỏa đam mê”.
Theo anh Nghĩa, để cho ra đời sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa hoàn mỹ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Sản phẩm đơn giản cũng phải mất hơn 1 ngày, những tấm tranh treo tường với nhiều hình ảnh có chi tiết nhỏ có thể lên đến 10 ngày mới có thể hoàn thành. “Cái khó là từ 1 cái gáo dừa người làm phải nhìn, định hình từng chi tiết phù hợp với vật gì, con gì trước khi làm. Muốn tạo hình 1 con chim, con bướm, cánh hoa phải hiểu được dáng vẻ của nó. Mỗi loại sản phẩm làm ra đều có dấu ấn riêng của nó, muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc. Vì vậy, đòi hỏi người thợ chế tác phải tỉ mỉ, kiên trì, có niềm đam mê và sự sáng tạo không ngừng” - anh Nghĩa tâm sự.
Gáo dừa dùng để chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là gáo dừa khô càng dày, càng cứng càng tốt. Gáo dừa khô sau khi mua về phải được xử lý sạch, có thể sử dụng để chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ. Kế đến là phân loại gáo dừa theo kích cỡ và màu sắc. Muốn làm một sản phẩm hoặc một chi tiết nào đó trên gáo dừa đòi hỏi người thợ phải thiết kế và vẽ họa tiết trên giấy trước. Sau đó, lựa chọn mẫu vẽ dán lên gáo dừa cho phù hợp rồi cưa lấy phôi theo thiết kế sản phẩm. Công đoạn cưa cũng có nhiều bước nhỏ như: cưa thẻ, cưa lọng để tạo ra nhiều chi tiết nhỏ. Tiếp theo là công đoạn chà nhám và đánh bóng các chi tiết. Sau đó, gắn kết và lắp ghép các chi tiết lại với nhau bằng keo để định hình cho sản phẩm. Cuối cùng là sơn phủ bảo vệ bởi sơn P.U để các sản phẩm có thời gian sử dụng lâu hơn. Từ những sản phẩm đơn giản lúc đầu, hiện anh Nghĩa đã làm hàng chục mẫu sản phẩm như: tranh phong cảnh, tranh thư pháp, các loại đèn, hoa sen, hoa hướng dương, hoa cúc, chậu hoa, móc khóa, chậu hoa lan, đế để điện thoại...
Anh Nghĩa chia sẻ: “Ngoài những tấm tranh được làm sẵn, khách hàng có thể yêu cầu kích thước gợi ý cảnh vật và ý tưởng bất kỳ. Một số sản phẩm tranh, đồng hồ tôi còn gắn thêm đèn led, đèn chớp theo yêu cầu của khách hàng… Tùy theo kích thước, kiểu dáng, số lượng chi tiết, giá bán mỗi tấm tranh từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng”. Để phát triển bền vững, lâu dài, sắp tới anh Nghĩa cùng các cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến, sáng tạo các mẫu mã, kiểu dáng, kết hợp với các loại vật liệu khác như: gỗ, tre để nâng cao tính mỹ thuật, sự hài hòa giữa công năng và độ bền của sản phẩm ngày càng đẹp và tốt hơn.
TRỌNG TÍN