Trong bối cảnh đó, việc xuất khẩu nông thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì ổn định ở các mặt hàng chiến lược, dù thị trường luôn có những diễn biến bất lợi. Đây được xem là bước tiến của doanh nghiệp khi gắn chặt liên kết với nông dân, tạo ra vùng nuôi trồng bền vững, đa dạng hóa được thị trường.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá tra
Hiện nay, nông dân ĐBSCL đã thả nuôi hơn 1.432ha cá tra, trong đó thu hoạch được 1.223ha, sản lượng đạt gần 400.000 tấn. An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Cần Thơ là 4 địa phương có diện tích nuôi cá lớn nhất trong vùng. Hiện giá cá tra dao động ở mức 24.000 - 25.000 đồng/kg (giảm mạnh so với năm 2018). Song với mức giá này, nông dân vẫn có lãi khi liên kết nuôi cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Phần lớn người nuôi cá tra hiện nay đều gắn với một doanh nghiệp chế biến để giảm rủi ro và đảm bảo lợi nhuận. “Hiện ngành hàng cá tra có khoảng 80% vùng nuôi của nông dân liên kết với doanh nghiệp. Đây được xem là bước tiến vượt bậc của vùng nuôi cá tra trọng điểm ĐBSCL”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhận định.
Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam có giảm. Song, theo các chuyên gia, đây là “chu kỳ bình thường”. Giá nguyên liệu cá tra tại ĐBSCL giảm, các nước trên thế giới đang cân nhắc đánh giá vùng nguyên liệu, tồn kho… trước khi quyết định nhập khẩu.
Một tín hiệu lạc quan là số lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường châu EU tăng mạnh khi các doanh nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu của họ. Đặc biệt là giá trị xuất khẩu cá tra tăng ở các thị trường Hà Lan, Anh, Đức và Bỉ. Trong đó, sản phẩm cá tra giá trị gia tăng, sản phẩm cá tra được dán nhãn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có xu hướng được ưa chuộng và có giá nhập khẩu cao hơn so với các sản phẩm khác.
Dự báo, các nhà nhập khẩu có thể tiếp tục gia tăng nhóm sản phẩm này trong thời gian tới. Đây được xem là bước tiến thích ứng linh động của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam khi thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc gần đây có những dấu hiệu “trì trệ”.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2019 nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao, trong khi chất lượng con giống vẫn chưa được cải thiện rõ nét, vẫn còn một số cơ sở nhỏ lẻ chưa tham gia vào chuỗi liên kết.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý: “Các địa phương vùng ĐBSCL cần đánh giá thực trạng liên kết chuỗi ở địa phương. Từ đó có giải pháp vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi, kiểm soát tốt quy hoạch, không để xảy ra tình trạng tăng diện tích ương nuôi vượt kiểm soát. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết tất cả công đoạn của chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro mất cân bằng trong cung cầu”.
Theo CAO PHONG (Sài Gòn Giải Phóng)