Cần hướng phát triển căn cơ cho mít Thái.
Diện tích tăng mạnh
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tổng diện tích mít Thái trên địa bàn tỉnh đã lên hơn 3.380ha, tăng hơn 2.000ha so với giữa năm 2018. Nhiều vườn mít đang thay thế đất trồng lúa, rau màu và cây ăn trái khác. Vừa trồng gần 200 gốc mít Thái từ đầu mùa mưa, ông Lê Văn Vị, ở ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng rau, trồng bắp. Năm nay, thấy có hộ trong xóm trồng mít bán có lời hơn nên vụ này vợ chồng tôi bàn nhau lên liếp, đắp mô cao và mua gần 200 gốc về trồng. Chỉ riêng tiền cây giống đã trên 6 triệu đồng do thời điểm cây giống mít đang “sốt”, giá đến 33.000 đồng/cây.
Theo thông tin từ các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, sau thu hoạch lúa nhu cầu mua cây giống của bà con tăng cao, nhiều nhất là mít Thái siêu sớm. Ăn theo “cơn sốt” mít Thái, dọc theo các tuyến quốc lộ, không ít điểm bán cây giống mọc lên mà chỉ bán duy nhất một loại cây là mít Thái. Một số cơ sở cây giống cho hay, mỗi tháng bán ra từ 7.000-8.000 cây, cao điểm có ngày bán cả ngàn cây là chuyện bình thường!
Một trong những hộ đã gắn bó lâu năm với cây mít Thái, có thể nói là trải đủ thăng trầm, ông Nguyễn Văn Vụ, ở ấp Phước Hòa, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho biết từ năm 2017 đến nay giá mít Thái không có biến động đáng kể nên trở thành loại cây giúp người dân ở đây thoát nghèo. Giờ đây, mỗi khoảng đất trống đều xen trồng mít Thái. Nhiều người ở các tỉnh khác đến thuê đất để trồng vì thấy lợi nhuận “khủng” từ loại cây này. Giá mít loại 1 hiện nay là gần 50.000 đồng/kg, 1 trái “bèo” gì cũng được 350.000-400.000 đồng.
Trồng mít từ lúc loại cây này chưa rộ như hiện nay, ông Vụ nhớ lại vào năm 2015 mít cũng từng rớt thê thảm chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg mà vẫn không tiêu thụ hết. Vì vậy, dù lúc này giá không hề thấp nhưng ông không khỏi băn khoăn, bởi lẽ chưa có gì đảm bảo mặt hàng này có chỗ đứng trên thị trường lâu dài. Sau gần 8 năm trồng mít, mong muốn lớn nhất của người nông dân này là có doanh nghiệp, công ty đầu tư nhà máy chế biến mít, tiêu thụ ổn định cho người dân yên tâm.
Tại nhiều cơ sở sản xuất giống, cây giống mít Thái đang hút hàng vì nhu cầu cao.
Cần giải pháp căn cơ
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, toàn xã có 543ha mít Thái (trong đó diện tích trồng mới khoảng 74ha), chiếm khoảng 40% diện tích trồng cây ăn trái. Hiện mít có giá nên không thể phủ nhận đây là loại cây góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhiều bà con. Tuy nhiên, xã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt để tránh rủi ro.
Mít Thái là loại cây trồng tại địa phương chưa lâu nên chưa có những nghiên cứu đầy đủ, quy trình sản xuất và phòng, trừ sinh vật gây hại chưa hoàn thiện, đặc biệt có một số loại sinh vật gây hại. Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin: Trước mắt, đơn vị đã soạn thảo và ban hành các quy trình trồng, phòng trừ sinh vật gây hại trên mít; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân để sản xuất hiệu quả. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên trồng xen mít với 1-2 loại cây khác để phòng trường hợp thị trường tiêu thụ bất lợi.
Thị trường tiêu thụ trái mít chủ yếu là Trung Quốc và nội địa, tỉnh chưa có doanh nghiệp tham gia chế biến. Do đó, giá cả tiêu thụ không ổn định. Hơn nữa hiện nay, thị trường Trung Quốc chỉ nhập khẩu chính ngạch một số loại trái cây và thực hiện cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, ngành chức năng đề nghị các địa phương cần quan tâm xây dựng vùng trồng đạt các tiêu chí để cấp mã số vùng trồng, doanh nghiệp đăng ký để cấp mã số cơ sở sơ chế. Khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Là một trong những địa phương có diện tích trồng mít Thái lớn trong tỉnh, với hơn 2.748ha, trong đó chưa thống kê các diện tích trồng xen với các loại cây khác, huyện Châu Thành đang triển khai một số giải pháp căn cơ để phát triển lâu dài, tránh lặp lại tình trạng “trồng - chặt”. Ông Nguyễn Văn Trương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, thông tin: Thời gian qua, phòng phối hợp với UBND xã, thị trấn lựa chọn và triển khai xây dựng vùng chuyên canh 100ha mít sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và có truy xuất nguồn gốc. Qua giai đoạn tuyên truyền và vận động đã có 10 hộ tình nguyện tham gia với tổng diện tích 10ha tại xã Đông Phước A. Đa số người trồng mít có kinh nghiệm đều ý thức về tầm quan trọng của quy trình sản xuất an toàn, có nguồn gốc để mở rộng tiêu thụ ở các thị trường khó tính khác trên thế giới chứ không riêng gì Trung Quốc. Đây cũng là hướng phát triển không chỉ cho mít Thái mà còn nhiều loại nông sản khác trên địa bàn.
Theo Báo Hậu Giang