Nâng hạng 5 sao để vươn ra toàn cầu

27/04/2022 - 08:36

Thời gian qua, Đồng Tháp và Bến Tre đã có những hoạt động liên kết trong giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm (SP) OCOP giữa hai tỉnh. Việc học tập, chia sẻ kinh nghiệm của Đồng Tháp và đẩy mạnh liên kết phát triển SP OCOP giữa 2 tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp nói riêng, với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung được xem là một trong những giải pháp quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng về SP OCOP của Bến Tre trong giai đoạn 2021 - 2025.

A A

Hàng chục sản phẩm OCOP Bến Tre được trưng bày, giới thiệu tại Siêu thị Dừa Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc

Đột phá của Đồng Tháp

Đến nay, Đồng Tháp đang dẫn đầu ĐBSCL với số lượng 265 SP được công nhận SP OCOP đạt 3 sao và 4 sao của 94 chủ thể (có 4 SP tiềm năng 5 sao). Tính bình quân, mỗi xã có gần 2 SP được công nhận. Các SP được công nhận đều đã được cấp tiêu chuẩn chất lượng, mã số, mã vạch, bao bì hoàn thiện theo quy định và có kênh phân phối đa dạng.

Tại buổi trao đổi kinh nghiệm với đoàn công tác tỉnh Bến Tre, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: Bên cạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển các SP OCOP theo quy định của Trung ương, Đồng Tháp đã lồng ghép thực hiện 20 cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển các SP OCOP, SP khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung hỗ trợ phát triển mẫu mã, bao bì SP; xúc tiến thương mại, phát triển du lịch, khuyến khích đầu tư vào khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN), liên kết sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, xử lý vấn đề ô nhiễm ô trường, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, xây dựng quảng bá SP.

Đồng Tháp đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Đến nay, tỉnh đã kết nối được nhiều SP đặc trưng, SP OCOP của tỉnh vào hệ thống các siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Đồng thời, đưa hơn 300 SP nông thôn đặc sản của 60 DN, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất lên 5 sàn thương mại điện tử uy tín như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo.

“Một điểm nổi bật khác là sự ra đời của HTX Đặc sản Đồng Tháp - mô hình HTX mới với mục tiêu kết nối các DN, giới thiệu, quảng bá các SP nông sản của tỉnh, quy tụ hơn 60 DN và hơn 400 SP đưa ra thị trường, trong đó ưu tiên SP OCOP. Tỉnh đã thành lập Trung tâm giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, Trung tâm giới thiệu ẩm thực - đặc sản - du lịch Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL tại Phú Quốc, đưa các SP OCOP và các SP đặc sản của tỉnh giới thiệu tại khu vực phía Bắc và khách du lịch trong và ngoài nước…”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ.

 Hiện Đồng Tháp đang áp dụng phần mềm đánh giá OCOP để có thể lưu trữ hồ sơ, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc các SP OCOP. Tỉnh còn áp dụng phần mềm giúp giảm chi phí về hồ sơ và các chủ thể có thể linh động nộp hồ sơ trực tuyến.

Nâng hạng 5 sao

Bến Tre hiện đứng vị trí thứ 3 khu vực (sau Đồng Tháp và Sóc Trăng) với 131 SP của 54 chủ thể. Bình quân mỗi xã có chưa đến 1 SP được công nhận. Trong đó, có 16 SP có tiềm năng 5 sao, đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, công nhận. Tuy nhiên, kết quả này so với tiềm năng trên thực tế là còn khá khiêm tốn và chưa tạo được tính lan tỏa, rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, trên thực tế, các địa phương còn rất nhiều SP có tiềm năng OCOP. Hướng tới, cần sự vào cuộc đồng bộ, tập trung của các cấp, các ngành và người dân ở địa phương, với việc xác định rõ vai trò và vị trí của Chương trình OCOP đến phát triển kinh tế địa phương, làm nền tảng cho việc liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Siêu thị Dừa Bến Tre là nơi quy tụ, quảng bá hơn 30 SP OCOP của tỉnh, trong đó có nhiều SP tiềm năng 5 sao. Giám đốc Siêu thị Dừa Bến Tre Trương Thị Cẩm Hồng chia sẻ: Thời gian qua, SP OCOP được thị trường đón nhận rất nồng nhiệt. Đây là dấu hiệu tích cực đối với SP có dán nhãn OCOP. Hướng tới, các chủ thể cần hoàn thiện thêm về mẫu mã, nhãn hiệu SP, cũng như về thủ tục chứng từ, hóa đơn để các SP OCOP có thể tiếp cận thị trường, các hệ thống siêu thị lớn trong nước và sẵn sàng xuất khẩu.

Đến nay, ĐBSCL mới chỉ có tỉnh Sóc Trăng có 2 SP OCOP được Bộ NN&PTNT đánh giá đạt tiêu chuẩn 5 sao. Do đó, Bến Tre nói riêng và các tỉnh còn lại cần tiếp tục phấn đấu nâng tầm SP OCOP lên hạng 5 sao để đủ điều kiện vươn ra quốc tế. Mục tiêu của Bến Tre trong thời gian tới là phấn đấu phát triển nâng hạng 5 sao đối với 16 SP đã có tiềm năng và không ngừng quảng bá, hỗ trợ SP trở thành nhóm SP OCOP dẫn đầu của tỉnh để làm cơ sở nhân rộng.

Trách nhiệm của chủ thể

Cùng với việc mang đến Chương trình OCOP địa phương một động lực mới, từng chủ thể SP OCOP cần ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm cao trong hoàn thiện, phát triển SP OCOP, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương và quốc gia.

Hộ kinh doanh Phạm Thị Thanh Phượng (xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm) hiện có 4 SP OCOP được chứng nhận 3 sao và 4 sao, gồm: chanh muối Hải Phượng, chanh muối cam thảo Ngọc Ý, tắc xí muội Ngọc Ý, chanh xí muội Ngọc Ý. SP từ chanh, tắc có nguồn gốc nguyên liệu tại huyện Giồng Trôm, được người dân trong vùng trồng và gắn bó lâu nay. Bắt đầu gia nhập thị trường từ năm 2003, các SP OCOP của bà Phượng từng  bước khẳng định được hình ảnh, thương hiệu, đến nay gần như phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Tham gia Chương trình OCOP, bà Phượng rất phấn khởi và không ngừng cải tiến để SP dần hoàn thiện từ khâu bao bì, nhãn mác đến chất lượng. “Chương trình này rất có ý nghĩa, hỗ trợ rất nhiều đối với phát triển SP mang tính truyền thống của các địa phương. Tuy nhiên, tự thân các chủ thể cần quan tâm và chủ động trong kế hoạch phát triển SP của mình, từ quy mô sản xuất đến tiêu thụ. Chủ thể cần ý thức rằng, việc phát triển SP đặc trưng của xã và có giá trị uy tín tại xã, huyện cũng là trách nhiệm của DN, hộ sản xuất, HTX. Có như vậy, người sản xuất sẽ ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các tiêu chuẩn OCOP và có trách nhiệm kết nối với xã, huyện, tỉnh đưa SP vào danh mục SP OCOP của tỉnh để quảng bá trong khu vực, cả nước”, bà Phượng chia sẻ.

SP bánh phồng mì sữa Dư Xuân của bà Cao Thị Thanh Xuân (xã Sơn Đốc, huyện Giồng Trôm) vừa được chứng nhận 3 sao vào tháng 12-2021, là một trong những SP truyền thống của Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc và có chuỗi thời gian duy trì, phát triển qua 4 thế hệ của gia đình. Bà Xuân tự hào: “Tôi cảm thấy SP này là khối tài sản vô giá của gia đình và quê hương. Bản thân tôi khi kế thừa phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy nó như cần phải gìn giữ, bảo tồn sản vật của địa phương”. Với ý thức phát triển SP, bà Xuân mạnh dạn ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, nâng công suất từ vài chục ký thành phẩm/ngày lên 1 tấn thành phẩm/ngày, mở rộng thị trường khắp nơi trong nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan cần chú ý SP OCOP phải đảm bảo vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, cũng như đảm bảo nguồn gốc về nguyên liệu làm ra SP và phải sử dụng lao động tại địa phương.

Theo Báo Đồng Khởi