Người “có duyên” với cây lục bình

20/10/2018 - 11:01

Ở xã vùng sâu Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang ai cũng biết đến bà Huỳnh Kim Lam, chủ Doanh nghiệp tư nhân Kim Lam. Doanh nghiệp của bà đã tận dụng cọng lục bình, thứ bỏ đi của vùng đất bưng biền, qua bàn tay khéo léo của công nhân làm ra sản phẩm mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao.

Bà Huỳnh Kim Lam (bên phải) chủ Doanh nghiệp tư nhân Kim Lam hướng dẫn công nhân đan lục bình. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Cây lục bình - loại cây hoang dã trôi sông dày đặc khắp mọi nơi ở vùng sông nước ĐBSCL, có khi loại cây này trở nên nổi ám ảnh của người dân miền Tây vì gây cản trở giao thông thủy. Thấy được nguồn nguyên liệu dồi dào ấy, người phụ nữ miền Tây Huỳnh Kim Lam (62 tuổi) khăn gói tìm đến các cơ sở, công ty ở miền Đông Nam bộ xin làm gia công lục bình, sơ chế và sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu.

Sau khi trở về quê và ký được hợp đồng gia công, bà Lam bắt tay mở cơ sở sản xuất gia công với số nhân công từ vài người nay đã tăng lên gần 200 người. Ăn nên làm ra, mỗi năm cơ sở của bà Lam giải quyết cho hàng trăm lao động ở địa phương. Bà Huỳnh Kim Lam, cho biết: “Từ nguồn nguyên liệu lục bình sẵn có ở địa phương, tôi đi tìm đầu ra cho nghề đan lục bình để cho chị em phụ nữ, nhất là chị em dân tộc Khmer có thêm thu nhập hằng ngày. Tôi đi tìm các đơn hàng gia công từ các công ty, sau đó về tuyển người và mở lớp dạy nghề đan lục bình. Lúc đầu, lớp chỉ có vài người, sau phát triển lên được 30 chị, rồi mở rộng quy mô dần dần lên đến 100 học viên, địa bàn cũng được mở rộng sang các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…”.

Từ một cơ sở chỉ có vài người lúc ban đầu, hiện nay cơ sở của bà Lam được phát triển và mở rộng đến các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, thu hút lực lượng lao động tại chỗ từ 150-200 lao động. Mỗi tháng gia công sản xuất hơn 5.000 sản phẩm mỹ nghệ các loại cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại chỗ, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương, cơ sở gia công mỹ nghệ Kim Lam đã thật sự trở thành mái ấm thứ hai cho bà con nghèo, nơi tạo thu nhập thường xuyên cho hàng trăm lao động nông thôn với mức thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày. Trong 10 năm qua, cơ sở đã sản xuất gần 600.000 sản phẩm và mang về nguồn thu nhập hàng chục tỉ đồng.

Bà Huỳnh Kim Lam, chia sẻ: “Hướng tới tôi cũng mong muốn sản phẩm của doanh nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp để nâng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Hiện tại, doanh nghiệp của tôi vẫn làm sản phẩm gia công cho các công ty ở Biên Hòa - Đồng Nai. Nếu có thể xuất khẩu trực tiếp, chúng tôi có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, đặc biệt là lao động nhàn rỗi. Vì nghề đan lục bình dễ học, dễ làm, không bị han chế bởi giới tính, độ tuổi”.        

 Nhờ sản xuất có uy tín, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng nên hàng hóa của Doanh nghiệp tư nhân Kim Lam sản xuất tiêu thụ dễ dàng, có lúc sản phẩm làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu, công nhân phải làm tăng ca… Nhằm đa dạng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, định kỳ hằng tuần, cơ sở của bà Kim Lam còn tạo việc làm theo đặc thù hộ gia đình, cung cấp nguyên liệu đến tận nhà dân, tiết kiệm thời gian, nhờ vậy sản phẩm làm ra ổn định về sản lượng và chất lượng. Nhiều năm qua, bà Huỳnh Kim Lam được tỉnh Kiên Giang công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và cơ sở của bà được Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận và bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Theo PHƯƠNG ANH (Báo Cần Thơ)