Người nuôi cá tra lận đận

06/08/2019 - 13:53

Giá cá tra rớt thê thảm, doanh nghiệp, thương lái không thu mua... là nỗi lo chung của người nuôi cá tra trong tỉnh đang gặp phải.

Giờ đây, nhiều ao cá tra vẫn yên ắng, không có thương lái đến mua dù cá đã quá lứa thu hoạch.

Nếu như vào thời điểm này cùng kỳ năm 2018, giá cá tra đang ở mức cao kỷ lục 36.000 đồng/kg. Thì giờ đây, cá tra đang tụt dốc thảm hại với mức giá chạm đáy, thấp nhất trong vòng thập niên gần đây chỉ còn 18.500-19.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra trong tỉnh thua lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Những hộ đang cầm cự lại càng thảm hại hơn khi mức đầu tư càng tăng, chi phí thức ăn cho cá đang đội lên từng ngày. Nhiều hộ nuôi cá hụt hẫng vì đang từ đỉnh cao rớt xuống đáy nợ nần. Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, lý giải: Sở dĩ cá tra tụt dốc thảm hại đã được các chuyên gia phân tích từ trước. Do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc chựng lại vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, người dân các tỉnh như Long An, An Giang… tăng diện tích ao nuôi nên sản lượng cung vượt cầu. Diện tích thả nuôi tự phát tại một số địa phương không được quy hoạch cũng bắt đầu nhen nhóm.

Vấn đề trên đã từng được cảnh báo nhưng rốt cuộc vẫn cứ xảy ra khiến người nuôi lận đận theo con cá tra. Ngay tại vùng nuôi cá tra lớn nhất của tỉnh, Hợp tác xã Nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, trăn trở: “Hiện tại, có một số thành viên trong HTX vẫn chưa xuất bán cá được. Một phần do thương lái không mua, phần vì lúc thả nuôi giá cá giống, thức ăn đắt đỏ, từ đó chi phí nuôi cá tăng lên so với năm trước khoảng 3.000 đồng/kg, vậy mà năm nay giá cá tụt như vậy”.

Nỗi lo ngày càng tăng khi cá đến ngày xuất bán nhưng thương lái không mua, trong khi đó mỗi ngày người nuôi phải tiếp tục cho cá ăn khiến chi phí tăng, tỷ lệ thua lỗ mỗi lúc nặng nề hơn. Nhiều nông dân đã chọn giải pháp bỏ đói cá để giảm chi phí đầu tư nhưng đây chỉ là phương án nhất thời, không thể áp dụng lâu dài được. Ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, cho hay: “Có một vài thành viên thử bỏ đói cá vì cá đã vượt số cân nặng quy định. Nếu doanh nghiệp thu mua cá ở mức 700-800g/con thì các ao cá đã lên trên 1kg/con. Điều này khiến đầu ra của con cá tra càng khó khăn hơn”.

Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, thông tin thêm: Hiện tại, theo điều tra sơ bộ của cán bộ kỹ thuật xã thì toàn xã còn khoảng 700 tấn cá đến kỳ xuất bán, cân nặng vượt ngưỡng quy định từ 200-400g. Tuy doanh nghiệp có công bố giá mua nhỉnh hơn so với thời điểm cách đây một tháng là 21.000 đồng/kg (tăng 2.500 đồng/kg) nhưng rất khó bán vì cá đã quá lứa.

Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, thông tin: Mặc dù địa phương có quy hoạch vùng nuôi cá tra nhưng thị xã Ngã Bảy cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp, từ tăng cường quản lý nhà nước, quy hoạch vùng nuôi... tuy nhiên các giải pháp này dường như chưa đủ sức để vực dậy, giúp ngành cá tra ở thị xã phát triển bền vững.

Cùng cảnh ngộ với hộ nuôi cá thương phẩm, những người nuôi cá giống cũng bị ảnh hưởng khi giá cá giống rớt thảm hại từ 80.000 đồng/kg xuống dưới 21.000 đồng/kg loại 30 con. Ông Trần Văn Thu, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thổ lộ: “Thấy giá cá giống cao ngất ngưỡng mà thị trường cá giống của tỉnh mình ít ỏi nên tôi ương nuôi một ao cá giống với số lượng 10 triệu con. Vào thời điểm 3 tháng trước, vì hiếm hàng nên giá cá giống từ 50.000 đồng tăng lên 80.000 đồng/kg. Bây giờ, thương lái thì không mua cá thịt nên người nuôi không phát triển thêm diện tích nuôi, cá giống lại kẹt ở ao, tôi chắc ăn lỗ vốn”. Để tự cứu mình, ông Thu đã tính tới phương án giữ lại cá giống để thả nuôi tại các ao cá còn lại của gia đình để cầm cự, chờ ngày giá cá tra thương phẩm hồi phục mà gỡ gạc.

Điệp khúc tụt giá cá tra lại tiếp diễn, một phần nguyên nhân vì giá cá tra hấp dẫn thời gian qua nên nhiều nông dân đã bỏ qua phần tiên liệu về đầu ra. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng xét về sâu xa có những điểm nghẽn không thể gỡ. Tuy nông dân chính là người sản xuất nhưng không thể tự quyết định giá bán. Trong quá trình nuôi, nguồn thức ăn lại là chi phí chính và lớn nhất trong tỷ lệ đầu tư nhưng bị quản lý bởi doanh nghiệp. Mặt khác, hộ nuôi cá đa phần từ nguồn vốn vay ngân hàng; còn doanh nghiệp thì chưa mặn mà bao tiêu cho nông dân, bảo vệ cho nguồn nguyên liệu chính của mình. Phải chăng, sợi dây liên kết luôn bị lỏng lẻo, đứt quãng nên cá tra cứ trồi sụt theo cơn sóng thị trường?

Theo Báo Hậu Giang