Tại một số tỉnh ở ĐBSCL, nhiều nông dân không còn mặn mà với cây mía mà chuyển sang trồng các loại cây khác. Nguyên nhân do nhiều năm qua giá mía thấp, năng suất giảm, đường tồn kho lớn nên nhà máy đường chậm thu mua hoặc thu mua với giá thấp.
Càng trồng càng lỗ
Huyện Trà Cú là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Trà Vinh. Niên vụ mía 2018-2019, toàn huyện xuống giống hơn 3.500 ha diện tích mía (giảm khoảng 500 ha so với niên vụ 2017-2018), hiện đã thu hoạch khoảng 1.450 ha. Ông Trang Thanh Vũ, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trà Cú, cho biết: "Công ty CP Mía đường Trà Vinh đã thu mua và ép được 70.000 tấn mía cho nông dân, với tổng giá trị khoảng 56 tỉ đồng. Công ty đã thanh toán được 28 tỉ đồng (tương ứng 50%) cho các tổ nguyên liệu và nông dân".
Hiện công ty này thu mua mía với giá 800 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường (giảm 100 đồng/kg so với niên vụ trước). Nếu chữ đường tăng trên 10, công ty mua tăng thêm 10%/chữ đường và ngược lại. Nhiều nông dân cho rằng năm nay năng suất mía thấp, chỉ đạt từ 70-75 tấn/ha, trong khi những năm về trước hơn 100 tấn/ha. Ngoài ra, cộng thêm chi phí như: tiền giống, nhân công, phân bón thì với giá bán 800 đồng/kg, nông dân lỗ khoảng 40 triệu đồng/ha.
Ông Bùi Thanh Tùng (43 tuổi; ngụ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) than: "Tôi vừa thu hoạch 6,5 công mía đạt 11 chữ đường, sản lượng tổng cộng 23 tấn. Nhà máy đường thu mua 8.800 đồng/kg. Do giá bán và năng suất thấp nên 1 công lỗ gần 3 triệu đồng. Chắc sắp tới, tôi không trồng mía nữa mà chuyển sang nuôi cá".
Nông dân tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh rầu rĩ vì năm nay giá mía thấpẢnh: Lê Khánh
Tại huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), diện tích xuống giống mía niên vụ 2018-2019 vào khoảng 6.500 ha, giảm khoảng 1.000 ha so với niên vụ trước. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: "Niên vụ trước, đường trong nước tồn đọng lớn, giá đường sụt nên nhà máy đường mua mía nguyên liệu giá thấp. Vì vậy năm nay, nông dân không dám trồng lại, vì trồng sẽ lỗ. Có khoảng 1.000 ha diện tích mía được họ chuyển sang trồng tràm, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, rau, màu chuyên canh…". Hiện nay, khó khăn cho ngành mía đường là do đường nhập lậu tràn lan và công nghệ sau thu hoạch vẫn chưa có. "Ở Thái Lan, 1 kg mía chi phí chỉ 500 đồng, ở nước ta tới 700 đồng/kg. Vì vậy, đường Thái Lan bán ra chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, trong khi Việt Nam khoảng 12.000 đồng/kg. Ngoài ra, chất lượng đường Thái cũng ngon hơn đường nội địa. Bây giờ phải làm sao tạo vùng giống tại chỗ, chứ nông dân sau khi thu hoạch toàn đi mua giống ở nơi khác, nên chất lượng không cao" - ông Tuấn nói.
Trước tình trạng nông dân "chán" cây mía, UBND huyện Trà Cú đã chỉ đạo 7 xã có diện tích trồng mía trên địa bàn huyện nhanh chóng khảo sát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản có hiệu quả.
Buôn lậu đường cát diễn biến phức tạp
Trái ngược với không khí "ảm đạm" của mía đường trong nước, tình trạng buôn lậu đường cát Thái Lan vào nội địa vẫn luôn "nóng".
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tình hình buôn lậu trong tháng 3 sẽ còn diễn biến phức tạp với các mặt hàng chủ yếu vẫn là đường cát Thái Lan và thuốc lá điếu do địa phương bước vào mùa lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam cũng như nhu cầu tiêu thụ nội địa còn khá lớn. Riêng trong tháng 2 vừa qua, các lực lượng chức năng đã bắt rất nhiều vụ buôn lậu đường cát Thái Lan với tổng sản lượng hơn 12 tấn.
Về phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu nhìn chung không thay đổi. Hàng lậu chủ yếu được tập kết sát khu vực biên giới để chờ thời cơ dùng xe máy, ghe, xuồng máy đưa vào sâu trong nội địa. Sau đó, hàng được cất giấu vào các kho hàng hoặc chia nhỏ gửi trong nhà dân, nhất là ở những nơi vắng vẻ, rồi sau đó chuyển đi tiêu thụ khắp vùng ĐBSCL và cả TP HCM.
Dùng công nghệ cao để cạnh tranh
Để cạnh tranh với đường nước ngoài, đặc biệt là đường cát Thái Lan và tăng thu nhập cho người trồng mía, ông Thạch Sophal, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), cho biết: "Địa phương đang lập đề án sản xuất mía công nghệ cao, hướng đến sản xuất sạch, sử dụng trang thiết bị, máy móc trong tất cả các khâu sản xuất. Mục đích để hạ chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Dự kiến sẽ thực hiện quy mô 100 ha. Đề án này có sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học. Chúng tôi đang vận động nông dân tham gia".
|
Theo LÊ KHÁNH - THỐT NỐT (Người lao động)