Nông sản miền Tây lần lượt rớt giá

28/06/2018 - 08:25

Do phát triển diện tích ồ ạt, phụ thuộc vào thương lái nên nhiều loại cây trồng ở ĐBSCL lại rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa - mất giá

Nhà nông ở ĐBSCL đang đứng ngồi không yên vì nhiều loại nông sản vào chính vụ, rớt giá thê thảm.

Từ lỗ tới lỗ nặng

Lão nông Nguyễn Văn Phương ở ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có 4 ha chuối xiêm. Những vụ trước, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 4.000-6.000 đồng/nải. Thấy lợi nhuận từ cây chuối khá cao, nhiều hộ dân xung quanh ông Phương mở rộng diện tích trồng chuối để thay thế dần các loại cây trồng khác trên vùng đất hạn mặn này. Thế nhưng, từ sau Tết nguyên đán đến nay, giá chuối liên tục giảm sâu, xuống mức 2.000 đồng/nải. Lo giá chuối rớt sâu hơn trong thời gian tới, nhiều chủ vườn chọn giải pháp bán bắp chuối non (thu hoạch bắp chuối đem bán thay vì để trổ thành buồng) với giá 5.000 đồng/bắp nhưng bắp chuối cũng rớt xuống 3.000 đồng/bắp, rất khó bán. "Trước đây, mỗi tháng tôi thu nhập không dưới 80 triệu đồng từ vườn chuối nhưng giờ giá chuối lẫn bắp chuối đều giảm phân nửa so với vụ thu hoạch trước, trừ chi phí chăm sóc, thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển thì mất hết lợi nhuận" - ông Phương lo lắng.

Nông dân vùng U Minh Thượng méo mặt vì giá chuối rớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/nải nhưng rất khó tiêu thụ Ảnh: THỐT NỐT

Cũng tại U Minh Thượng, nhiều hộ trồng mía, khóm (còn gọi là thơm, dứa) khóc ròng vì giá mía nguyên liệu tuột dốc không phanh. Ông Nguyễn Văn Trường, ngụ xã Minh Thuận, cho biết năm ngoái giá mía nguyên liệu đạt gần 1.000 đồng/kg nên ông và người em ruột quyết định hùn vốn trồng 4 ha mía; bất ngờ mía bắt đầu cho thu hoạch thì giảm liên tục, đến nay chỉ còn 400 đồng/kg. "Đất ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng trước đây trồng lúa nhưng năng suất thấp nên người dân bỏ cây lúa, lên liếp trồng mía hoặc khóm. Nghịch lý là vừa bỏ cây lúa thì giá lúa lên cao còn mía, khóm thì rớt thê thảm. Tiền bán mía không bằng tiền thuê nhân công thu hoạch nên nhiều hộ bỏ mía chết khô" - ông Trường buồn bã.

Ngoài chuối, mía, khóm, một số loại trái cây khác của nhà vườn ĐBSCL cũng đang rớt giá thê thảm khiến nhà nông không khỏi bàng hoàng. Riêng Kiên Giang có khoảng 3.000 ha khóm với các thương hiệu nổi tiếng như khóm Cầu Đúc (huyện Gò Quao), khóm Tắc Cậu (huyện Châu Thành) và một phần ở vùng U Minh Thượng đang chịu cảnh bi đát vì giá bán chưa tới 2.000 đồng/trái. Tại Cần Thơ, giá mít Thái từ mức 45.000-50.000 đồng/kg thời điểm sau Tết nguyên đán, nay chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg. Chôm chôm bán lẻ ra thị trường chỉ còn 20.000-22.000 đồng/kg; thanh long 10.000 đồng/3 kg…

Lệ thuộc thương lái

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp như tôm, khóm, mía hay chuối ở địa phương này đang rớt giá thê thảm và gặp khó khăn về đầu ra. Nguyên nhân là do tại địa phương chưa có doanh nghiệp lớn nào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, nông dân chủ yếu bán nông sản cho thương lái nên dễ bị ép giá. "Từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh nhưng chưa hiệu quả. Đầu năm 2018, một doanh nghiệp lớn từ Hàn Quốc liên hệ tìm hiểu cơ hội đầu tư và có ý định thuê 500 ha đất ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng làm dự án trồng chuối xuất khẩu nhưng chưa đâu vào đâu" - ông Tâm cho biết. Cũng theo ông Tâm, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch lại vùng sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và bền vững song đề án này mới chỉ bảo đảm trên cây lúa.

Trong khi các mặt hàng nông sản bình thường rớt giá thê thảm thì một số loại trái cây ngon, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP vẫn chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, lũy kế đến hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 1,7 tỉ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, dưa hấu là những mặt hàng xuất khẩu chính. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 95,3 triệu USD (tăng 119,1%), chiếm 91,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam. 

Mệt vì cây trồng "thế mạnh"

Tại các xã Đại Sơn, Đại Hồng của huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) hiện có khoảng 500 ha đất trồng thơm đang đến kỳ thu hoạch nhưng giá giảm mạnh. Ông Trà Quang Dương (xã Đại Sơn) cho hay những năm trước, mỗi chục thơm (12 trái) loại lớn có giá từ 70.000-100.000 đồng, nay chỉ còn 15.000-20.000 đồng, thơm nhỏ chỉ 5.000 đồng/chục. Ông Dương nhẩm tính với 3 ha thơm của gia đình, chưa kể công chăm sóc, vợ chồng ông tốn hàng chục triệu đồng đầu tư nhưng chỉ thu lại được hơn 5 triệu đồng. Giá thơm thấp kỷ lục, nhiều hộ trồng thơm ở các vị trí xa đành bỏ thơm chín rục ngoài đồng.

Lãnh đạo xã Đại Sơn và Đại Hồng cho hay mỗi xã có vài trăm hộ trồng thơm với diện tích tổng cộng khoảng 500 ha. Những năm trước thơm là cây trồng thế mạnh của địa phương, giúp nhiều nông dân thoát nghèo. Thời gian gần đây, thị trường bất ổn, giá cả và đầu ra gặp khó khiến người dân lao đao. Các xã đang tính vận động người dân chuyển đổi một phần diện tích hoặc thành lập tổ hợp tác trồng và thu mua thơm, hướng tới xây dựng thương hiệu thơm an toàn để giúp nông dân có đầu ra, giá cả ổn định hơn.

TR.THƯỜNG

Theo Người lao động