Tăng thu nhập dựa vào mùa nước nổi

11/10/2019 - 07:50

 - Mùa nước nổi, dựa vào lợi thế thiên nhiên có sẵn, người dân ở huyện Phú Tân vào cuộc mưu sinh bằng nhiều cách nhằm tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, các hoạt động khai thác sản vật tự nhiên là công việc của đại đa số hộ nghèo, vốn không có đất sản xuất, ngày thường sống bằng nghề làm thuê. Đến hẹn lại lên, nước về đồng “chở” theo sản vật thiên nhiên ban tặng, cưu mang những phận đời lam lũ giúp họ thêm phấn khởi.

Tận dụng diện tích mặt nước, nhiều hộ dân sống ven sông, kênh đã trồng một số rau thủy sinh tăng thêm thu nhập trong mùa nước nổi như: rau muống, rau nhút, rau ngổ, cù nèo… Bà Nguyễn Thị Sương (ngụ ấp Bình Đông 1, xã Phú Bình) cho biết, đã trồng rau ngổ và rau nhút nhiều năm nay, trải dài theo bờ kênh khoảng 55m. Rau ngổ dễ thích nghi và phát triển rất tốt, hầu như không tốn công chăm sóc, sau nhiều đợt thu hoạch chỉ cần bón phân 1 lần để dưỡng. Với 2 loại rau này, mỗi ngày bà Sương thu hoạch từ 20-50kg, bán cho bạn hàng chợ địa phương, giá rau ngổ là 3.000 đồng/kg, còn rau nhút được bó lọn nhỏ bán 5.000 đồng/bó. Bằng cách chia khu vực thu hoạch nên bà có rau hái hàng ngày, mùa này dòng nước có nhiều phù sa nên ngọn rau vươn ra rất nhanh, cách 2 ngày quay lại thu hoạch điểm cũ.

Người dân thu hoạch rau ngổ, rau nhút trồng dọc theo bờ kênh

Tại xã Bình Thạnh Đông, Chủ tịch Hội Nông dân Mai Duy Linh cho biết, hàng năm Hội Nông dân xã tuyên truyền cho bà con tăng gia sản xuất trong mùa nước nổi, trồng rau thủy sinh là lựa chọn phổ biến. Có 30 hộ trồng rau ngổ, tập trung ở ấp Bình Trung 1, ấp Bình Đông 2 và ấp Bình Quới 2. Loại rau này dễ trồng và nhẹ công chăm sóc, mức thu nhập tuy không cao nhưng rất ổn định, đặc biệt là trong mùa nước nổi. Ông Lê Văn Đặng (ngụ ấp Bình Trung 1) chia sẻ: “Gia đình tôi khó khăn, không có đất sản xuất, tận dụng mặt nước 500m2 trồng rau ngổ 12 năm nay. Chỉ cần cắm cọc tre để rau bám vào và không cản trở giao thông thủy. Rau ngổ phát triển nhất vào mùa nước nổi vì lượng nước lưu thông mạnh, dồi dào phù sa, nông dân bỏ chi phí rất thấp mà “được mùa”. Mỗi ngày, tôi kiếm được 120.000-150.000 đồng nhờ bỏ rau cho các bạn hàng trong xã”.

Với những người nghèo thuộc vùng sâu, trong thời gian nước đổ về đồng, khai thác sản vật thiên nhiên cũng là cách để có tiền dễ dàng hơn. Ông Lê Văn Lời (ngụ ấp Phú Hạ, xã Phú Xuân) chỉ có việc làm thuê đủ sống qua ngày, đến mùa này, ông rủ bạn bè cùng đi chất mô bắt lươn có thu nhập cao hơn. Ông Lời cho biết: “Làm việc này đâu cần vốn liếng gì, sắm cái vợt, chất rau muống, lục bình ủ rồi bỏ mồi vô, ngày nào ra thăm cũng “có tiền”, anh em chia đều, khá thì 500.000 đồng, còn ít cũng được hơn 300.000 đồng, có đồng ra đồng vào cho con ăn học”. Trên những cánh đồng gần nhà, ông Lời chất 150 mô, nhiều gấp đôi năm ngoái, xoay vòng mỗi ngày xúc 50 mô, thu được từ 3-5kg lươn, cá các loại. Theo kinh nghiệm, xúc lươn phải đi vào sáng sớm, lúc lươn ngoi lên khỏi mặt nước ngơi nghỉ, bỏ công dỡ mô là thu được thành quả từ tự nhiên. Hiện nay có nhiều cách bắt lươn đồng, nhưng chất mô là cách hiệu quả được nhiều người áp dụng. Trong nguồn nước lũ còn có một sản vật đem lại thu nhập rất khá là trứng nước, được dân rủ nhau khai thác bán cho thương lái.

Thu mua trứng nước khai thác trên đồng ngập lũ

Anh Nguyễn Văn Phú là người chuyên thu mua trứng nước tại các đồng nước thuộc xã Hòa Lạc và Phú Thành để phân phối cho các hộ nuôi cá trong và ngoài huyện. Anh Phú cho hay, mùa lũ trứng nước rất nhiều nên giá thấp hơn, bù lại nhờ khai thác được số lượng lớn, dân đi kéo trứng nước kiếm được bộn tiền mà người bán cũng khá theo. Luân phiên qua các địa bàn thu mua, anh gom mua trứng nước khoảng vài trăm kg đến gần 1 tấn/ngày vận chuyển đi TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên… Với những chuyến đi xa, muốn bảo quản trứng nước phải trữ lạnh.  Trứng nước giàu dinh dưỡng là thức ăn cho cá bột hoặc cá cảnh, sinh trưởng rất nhiều trên đồng ruộng, vốn có nhiều chất hữu cơ. Không tính ngày tháng, mà quan sát nước ngoài đồng ngập đến ngang người là biết vào mùa chính khai thác trứng nước, tuy công việc này có phần vất vả nhưng đồng ra đồng vào khá hơn các mùa khác trong năm. Đó là cách người dân tranh thủ trong những ngày nông nhàn kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống.

MỸ HẠNH