Bà Nguyễn Thị Lan ở ấp Mỹ Đức, xã Thiện Mỹ (Châu Thành) khoe trại trồng nấm của gia đình.
Ngoài trồng lúa là chính, người dân xã Thiện Mỹ (Châu Thành) còn tận dụng nguồn rơm rạ để trồng nấm rơm, cung ứng sản lượng lớn cho thị trường. Phát huy lợi thế là vùng trồng nấm, một số hộ dân ở đây được sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp để trồng thử nghiệm nấm bào ngư xám, bước đầu đã đem lại kết quả khả quan.
Ghé tham quan mô hình trồng nấm của bà Nguyễn Thị Lan ở ấp Mỹ Đức, lúc bà đang loay hoay hái đợt nấm buổi chiều. Từng tay nấm to, đều chen nhau “đua nở” từ miệng chai nấm treo đầy trên giàn. Bà Lan bộc bạch: “Trước giờ, gia đình chỉ làm ruộng và chăn nuôi gà thả vườn, đâu nghĩ đến chuyện trồng nấm bào ngư. Khi được Nhà nước hỗ trợ phôi nấm và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tôi thấy cũng dễ. Do đó, tôi mạnh dạn nhận 3.250 bịch phôi giống và tận dụng phần quán trước nhà cải tạo lại thành trại trồng nấm. Bởi nấm phải dùng dây treo lên nên không cần tốn chi phí làm nền gạch mà chỉ mua thêm một số lưới và cao su che xung quanh, nhằm tránh gió lùa vào bên trong nhà nấm hay gà, chuột vào phá”.
Trồng nấm khá nhàn nhã, chỉ cần tưới nước sạch, không tốn bất kỳ chi phí phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Phôi nấm nhận về treo lên giàn khoảng 20 ngày bắt đầu thu hoạch. Lứa đầu tiên nấm cho năng suất thấp và mỗi ngày sản lượng nấm tăng dần. Bà Lan cho biết thêm, từ lúc trồng đến nay, thu hoạch đã hơn 2 tháng, sản lượng nấm 400kg, giá bình quân 20.000 đồng/kg, thu về số tiền 8 triệu đồng. Theo đơn vị hỗ trợ, thì nấm thu hái thời gian hơn 4 tháng mới hết, như vậy số tiền dự tính sẽ tăng lên.
Cũng theo bà Lan, mô hình nấm bào ngư tại gia đình hiện có nhiều chị em phụ nữ đến tham quan học hỏi kinh nghiệm và nhiều chị cũng thích, bởi phù hợp với người bận rộn, có con nhỏ. Khi sản xuất, chỉ cần bỏ công ban đầu, mua chai nấm về treo lên giàn, trời nắng thì tưới nước 3 lần/ngày, trời mưa chỉ cần tưới 1 lần/ngày là nấm đã phát triển tốt. Điều nhiều nông dân thích trồng nấm là mỗi ngày đều hái nấm, có đồng ra đồng vào sử dụng sinh hoạt phí thuận lợi. Dự định tới, bà Lan sẽ mở rộng diện tích trồng nấm nhằm tăng sản lượng, cung cấp cho thị trường và bán lẻ, nâng cao thu nhập.
Ông Phan Văn Non, ấp Mỹ Đức, xã Thiện Mỹ (Châu Thành) cho rằng trồng nấm lợi nhuận khá và nhẹ công chăm sóc.
Cũng là hộ nhận hỗ trợ phôi nấm bào ngư xám, ông Phan Văn Non, ấp Mỹ Đức chia sẻ: “Khi nhận phôi nấm về trồng, tôi tận dụng chuồng heo bỏ trống cạnh nhà cải tạo lại để treo phôi nấm. Để nấm đạt năng suất, chất lượng, tôi áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật được cán bộ chuyên môn hướng dẫn là nhà nấm luôn giữ kín gió và dùng nước sạch (nước máy) tưới, tuyệt nhiên không dùng nước sông, nên nấm lớn rất nhanh. Khi tưới không phun nước trực tiếp vào các phôi nấm mà phải bắn nước lên tấm cao su che phía trên giàn phôi cho nước rơi xuống từ từ, giúp phôi nấm hấp thu từng đợt. Hiện tại, tôi đã thu hái nấm hơn 2 tháng, sản lượng gần 400kg. Để nấm bán có giá, tôi thường đem đến chợ bán lẻ hoặc bán cho hộ dân trong xóm, nên giá thành nhỉnh hơn so với bán cho đại lý, bình quân nấm bán được 22.000 đồng/kg. Tới đây, sau khi kết thúc chương trình được hỗ trợ, tôi sẽ tự đầu tư canh tác tiếp nấm bào ngư, nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống gia đình”.
Nấm bào ngư dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, tuy đầu ra chưa được ổn định do chưa được liên kết bao tiêu sản phẩm, bà con nông dân trồng chủ yếu bán trên thị trường nhưng đây là loại thực phẩm khá hút hàng. Nếu bà con nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất thì trước hết, phải học tập kinh nghiệm từ các hộ dân trồng trước hoặc được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp cách trồng nấm nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng.
Theo THANH THẢO (Báo Sóc Trăng)