Tìm thị trường cho nông sản An Giang

15/05/2019 - 08:28

 - Liên tục những sự kiện kết nối giao thương, xúc tiến thị trường cho các mặt hàng nông sản chủ lực được tổ chức ở An Giang. Qua đó, giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược dài hơi cho hàng hóa xuất khẩu, đồng thời hợp tác đưa nông sản An Giang tiến vào thị trường lớn, ngày càng nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm.

Cơ hội tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc

Tại lớp tập huấn “Xúc tiến thị trường Trung Quốc”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang (ATIP) phối hợp Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức, Phó Giám đốc ATIP Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. “Thị trường Trung Quốc chiếm từ 40 - 70% đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn cao (chiếm từ 60 - 70%), làm giảm giá trị nông sản và tiềm ẩn nhiều rủi ro” - ông Quang phân tích.

Các sản phẩm từ cá tra An Giang có cơ hội lớn ở thị trường Trung Quốc

Theo Phó Giám đốc ATIP, Trung Quốc được coi là thị trường lớn nhất thế giới với hơn 1,5 tỷ dân, doanh nghiệp Trung Quốc trải đều các nước. Trung Quốc không chỉ nhập khẩu hàng hóa về phân phối trong nước mà còn chế biến rồi bán cho các quốc gia khác. Từ năm 2018, Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu theo hướng ưu tiên đường chính ngạch như giảm thuế suất, không còn chênh lệnh giữa đường bộ và đường biển. Các mặt hàng lương thực, rau, củ, trái cây… nhập khẩu phải đáp ứng an toàn thực phẩm, các quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch của Trung Quốc. “Trong các hình thức quảng bá sản phẩm, cách tiếp cận nhanh nhất và rẻ nhất với người tiêu dùng là tham gia hội chợ. Trung Quốc tổ chức rất nhiều hội chợ, có những hội chợ lớn thu hút 5.000 - 6.000 gian hàng. Việc trực tiếp tham gia hội chợ sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được khuynh hướng tiêu dùng, yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Dự kiến cuối tháng 9-2019, sẽ có gian hàng trưng bày sản phẩm An Giang tham gia hội chợ lớn tại TP. Nam Ninh (Trung Quốc). Đây là cơ hội để doanh nghiệp An Giang giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc” - ông Nguyễn Hồng Quang thông tin.

Kết nối thị trường

Chia sẻ với các doanh nghiệp An Giang tại lớp tập huấn “Xúc tiến thị trường Trung Quốc”, TS Đào Việt Anh (Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc) cho rằng, với mức thu nhập ngày càng tăng (GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2018 là 9.780USD), người tiêu dùng Trung Quốc đòi hỏi cao hơn về chất lượng hàng hóa. Chính phủ Trung Quốc có chính sách khuyến khích hàng hóa nhập khẩu, tổ chức nhiều hội chợ nhập khẩu lớn nhằm đáp ứng nhu cầu người dân. Trong đó các mặt hàng nông, thủy sản nhiệt đới của Việt Nam có cơ hội rất lớn tại thị trường này. Doanh nghiệp Việt Nam cũng hưởng lợi thế khi có đường biên giới trên bộ dài 1.406km giáp Trung Quốc, thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. “32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Mỗi địa phương của Trung Quốc với dân số lớn (từ vài chục triệu đến cả trăm triệu người) có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ. Do vậy, mỗi doanh nghiệp có thể nghiên cứu sản phẩm, mẫu mã hàng hóa đáp ứng nhu cầu từng tỉnh, thành phố chứ không cần trải đều khắp Trung Quốc” - TS Đào Việt Anh lưu ý.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi như: nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) với mức thuế cơ bản là 0%; Trung Quốc đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. TS Đào Việt Anh lưu ý, các doanh nghiệp khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc và Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín tại Trung Quốc, cần xác minh năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc để hợp tác lâu dài, tránh rủi ro. “Mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế. Các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp phải được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao, làm cơ sở pháp lý cho việc phân xử sau này. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu các quy định xuất, nhập khẩu của Trung Quốc đối với các hàng hóa mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là những sản phẩm như: thực phẩm, nông sản, thủy sản... vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ” - TS Đào Việt Anh nhắc nhở.

Chuyên gia này cho rằng, để chiếm lĩnh không chỉ thị trường Trung Quốc mà nhiều thị trường khác, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, chính sách xuất, nhập khẩu, thị hiếu người tiêu dùng ở quốc gia nhập khẩu. “Riêng thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ để tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam cần có nhân viên am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận lợi trong giao dịch, đàm phán hợp đồng. Hiện ở Trung Quốc có khoảng 10.000 - 12.000 sinh viên Việt Nam theo học. Đây là nguồn nhân lực mà doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để xúc tiến mạnh vào thị trường Trung Quốc theo đường chính thống” - TS Đào Việt Anh gợi ý.

Trong các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc, TS Đào Việt Anh đặc biệt ấn tượng với con cá tra - sản phẩm thế mạnh của An Giang. Đây được xem là sản phẩm chưa có đối thủ, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và điều kiện nhập khẩu cũng thuận tiện.

 

NGÔ CHUẨN