Vận chuyển nông sản xuống núi

29/03/2019 - 10:11

 - Để đưa nông sản từ đỉnh núi Dài (Tri Tôn, An Giang) xuống tập kết tại các vựa trái cây dưới chân núi, bà con nông dân xã Lê Trì, Lương Phi hay thị trấn Ba Chúc có thể sử dụng nhiều cách khác nhau, nhưng hiệu quả và nhanh chóng nhất vẫn là lực lượng “xe ôm”.

Núi Dài (tên gọi khác Ngọa Long Sơn), là một trong những ngọn núi hùng vĩ của dãy Thất Sơn. Núi Dài có độ cao khoảng 580m, nằm dọc theo Tỉnh lộ 955B, chiếm một diện tích rộng lớn thuộc 4 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì (Tri Tôn). Núi Dài là một trong những “vựa trái cây” của vùng Bảy Núi. Trên đỉnh núi, có nhiều đường ô và suối, với trên 300ha đất được nông dân trồng hoa màu và cây ăn trái.

Ông Lê Hoàng Nhi (nông dân thị trấn Ba Chúc) cho biết, nông dân trên núi chủ yếu trồng các loại cây ăn trái như: xoài, mãng cầu, bưởi… cùng các loại rau, củ. Những năm trước, để vận chuyển hàng hóa lên xuống núi, bà con phải đi bộ hàng giờ đồng hồ, gánh bằng chiếc quang gánh nặng trĩu trên đôi vai của mình. Giờ đây, khi con đường bê-tông từ Ô Vàng lên Giếng Xây được xây dựng xong (dài khoảng 3.000m) tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con nông dân từ chân lên đỉnh núi và ngược lại dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều.

Nhờ đội ngũ “xe ôm” mà nông sản của bà con được đưa đến các vựa trái cây dễ dàng

Từ khi con đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng, khu vực núi Dài xuất hiện đội “xe ôm” chuyên vận chuyển nông sản cho bà con nông dân. Họ chính là những nông dân canh tác nông nghiệp trên núi; có người không có đất canh tác, phải làm thuê, mướn, khi đến mùa trái cây họ tập trung ở chân núi để vận chuyển hàng thuê. Anh Trần Văn Danh (một trong những người tham gia công việc vận chuyển hàng thuê được 8 năm) cho biết, gia đình anh canh tác khoảng 1,3ha đất nông nghiệp trên núi Dài, trồng các loại cây ăn trái như: bưởi, sầu riêng, quýt xen canh với các loại rẫy… Khi đến mùa thu hoạch trái cây trên núi, sau khi chở nông sản cho gia đình, anh chở thêm cho các hộ canh tác ở khu vực lân cận để kiếm thêm thu nhập.

Theo anh Danh, công việc này khá nguy hiểm, đòi hỏi người tài xế phải có kỹ năng, sự bình tĩnh mới có thể điều khiển xe máy vượt qua những địa hình hiểm trở. “Đường nhỏ, nhiều cua khúc khuỷu, mỗi xe chở khoảng 100kg trái cây các loại nên công việc này không thể dành cho những tay mơ. Đó là chưa kể đến những ngày mưa, sáng sớm sương đọng nhiều, đường trơn, việc điều khiển xe máy trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu không cẩn thận sẽ rất dễ xảy ra tai nạn giao thông” - anh Danh chia sẻ. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chở hàng thuê, không có ngõ ngách nào mà anh Danh chưa từng chinh phục. Công việc này giúp anh có thêm thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

Hiện nay, khu vực núi Dài có khoảng 20 người tham gia công việc vận chuyển hàng nông sản thuê bằng xe máy. Vào thời điểm thu hoạch rộ, họ sẽ tụ họp lại chuyên chở nông sản. Bình quân mỗi kg hàng hóa được trả khoảng 1.000 đồng. Những ngày thường, mọi người chăm sóc mảnh vườn của mình, người nào không có vườn thì kiếm công việc khác làm.

Đối với những hộ canh tác gần đường, công việc vận chuyển nông sản diễn ra tương đối dễ dàng và thuận tiện. Hầu như ai cũng có số điện thoại của những thành viên đội vận chuyển, nên chỉ cần “alo” là có người tới giúp thực hiện vận chuyển nông sản theo yêu cầu. Tuy nhiên, đối với những hộ canh tác đất ở xa đường hay sâu trong rừng, việc thu hoạch và vận chuyển khó khăn hơn. Lúc đó, phải cần đến những người vận chuyển bằng những đôi quang gánh. Những người tham gia công việc này thường là người dân đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Anh Chau Chok (31 tuổi, một trong những người vận chuyển hàng thuê) cho biết, anh tham gia công việc này rất lâu, khi chưa lập gia đình. Tới mùa thu hoạch trái cây, anh được thuê thu hoạch rồi vận chuyển xuống chân núi. Thời điểm đó, bình quân mỗi ngày anh kiếm được từ 100.000 - 150.000 đồng. “Nông dân thuê mình gánh trái cây xuống chân núi với giá 1.000 đồng/kg. Công việc này vất vả lắm, nhưng làm riết rồi quen. Vì miếng cơm, manh áo cho gia đình nên phải cố gắng” - anh Chok chia sẻ.

Nghề vận chuyển nông sản là công việc khó khăn, nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhưng vì cuộc sống nên phải làm để mưu sinh.

Bài, ảnh: ĐÌNH ĐỨC