Vụ mía 'đắng' ở vùng U Minh Thượng

18/12/2018 - 08:11

Một tấn mía chi phí thuê nhân công đốn hết 370.000 đồng nhưng giá bán chỉ 350.000 đồng, thậm chí không tìm được người mua... khiến nông dân trồng mía ở H.U Minh Thượng (Kiên Giang) lỗ nặng.

Sau nhiều tháng vất vả chăm sóc và tốn hàng trăm triệu đầu tư, nhưng cuối cùng người trồng trắng tay vì mía rớt giá ẢNH: ANH PHƯƠNG

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân H.U Minh Thượng, cho biết vụ mía 2018 - 2019 toàn huyện trồng trên 1.500 ha, tập trung nhiều nhất ở 2 xã nằm trong vùng đệm là Minh Thuận và An Minh Bắc. Hiện vẫn còn khoảng 350 ha đến kỳ thu hoạch, tương đương 30.000 tấn, nhưng do giá quá thấp lại không có thương lái mua khiến người trồng lao đao.

Những ngày này, nông dân điêu đứng vì nhà máy đường không thu mua mía mặc dù đã bao tiêu trước đó, chỉ có rất ít thương lái thu mua nhưng giá rớt xuống tận đáy. Phía ngoài đập đê bao, họ mua với giá 420 đồng/kg, còn trong đập chỉ 350 đồng/kg do phải thuê nhân công chở ra ngoài đê. Với mức giá xuống quá thấp như vậy, nhiều hộ nông dân đành để mía chết khô rồi đốt bỏ. Bởi lẽ, chi phí thuê nhân công đã tốn 370 đồng/kg mà bán ra chỉ có 350 đồng/kg. Còn nếu bỏ công sức, chi phí thu hoạch xong thì chưa chắc tìm được thương lái đến mua. “Trong các vụ mùa trước, mía có giá từ 1.000 đồng/kg. Đầu vụ này giảm còn 800 đồng/kg thì nông dân vẫn có lãi. Nhưng hiện nay với giá xuống tận đáy thì người trồng trắng tay”, ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, hằng năm, nhằm tạo đầu ra cho cây mía, ngay từ đầu vụ, chính quyền H.U Minh Thượng đã giúp nông dân ký kết với Công ty CP mía đường Cần Thơ với giá 830 đồng/kg (mía đạt 10 chữ đường) nhưng phải giao tại nhà máy đặt ở tỉnh Hậu Giang. Một, hai vụ trước, khi nông dân chở mía giao thì không có vấn đề gì, nhà máy mua hết cho dân theo đúng giá bao tiêu ban đầu. Bên cạnh đó, một số công ty còn xuống tận ruộng mía để bán phân bón trả chậm, tính lãi suất theo ngân hàng. Mỗi héc ta nông dân được vay từ 5 - 7 triệu đồng, khi nào thu hoạch mía sẽ hoàn trả cho công ty. Thế nhưng, vụ mía năm nay, đường sản xuất ra không tiêu thụ được nên với lý do cây mía chữ đường thấp công ty không mua hoặc mua với giá rẻ. Nông dân ở U Minh Thượng phải tự xoay xở.
Bà Nguyễn Thị Phượng (ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc) cho biết gia đình bà đang lâm vào cảnh khó khăn. Với 2 ha mía, nếu tính tiền đầu tư ban đầu đến khi thu hoạch khoảng 100 triệu đồng, nhưng nay bán ra chưa thu về nổi 30 triệu đồng. Bà Phượng phải khoanh nợ ngân hàng, vay vốn bên ngoài để có tiền đầu tư trồng lại mía với hy vọng có nguồn trả nợ.

Được số tiền “mót” như bà Phượng cũng còn may mắn, một số hộ dân khác mới bán được một ít thì thương lái ngưng mua; thậm chí có hộ phải đốt bỏ để tiếp tục trồng vụ mới hoặc chuyển hướng trồng loại cây khác nhằm cứu vãn tình trạng thê thảm này.

Trước thực trạng cây mía liên tục rớt giá, H.U Minh Thượng đang quy hoạch và định hướng cho nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây, con khác phù hợp với vùng đất này như mãng cầu, dừa dứa, thanh long hay rau màu. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tiến hành lập đề án khôi phục lại nguồn lợi nuôi cá đồng với diện tích khoảng 3.000 ha và sẽ triển khai thực hiện vào năm 2019; đồng thời liên hệ với một số công ty bao tiêu các loại nông sản để hỗ trợ đầu ra cho nông dân.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó tổng giám đốc Công ty CP mía đường Cần Thơ (Casuco), khẳng định doanh nghiệp này vẫn mua đúng theo như hợp đồng bao tiêu là 800 đồng/kg (không phải 830 đồng, mía 10 chữ đường). Thậm chí mía nếu đạt chữ đường mà cân tại cầu cảng Xí nghiệp đường Vị Thanh (Hậu Giang) là 820 đồng/kg.

Tuy nhiên, hiện nay cái khó chung là ở vùng U Minh Thượng vụ này không có nhân công. Mấy năm trước công đốn mía chỉ 200 - 220 đồng/kg thì năm nay 250 - 300 đồng/kg. Rồi công vận chuyển tốn thêm 200 đồng/kg. Trong khi đó, chất lượng mía vụ này không cao, chỉ khoảng 8,5 - 9 chữ đường, công ty chỉ mua được với giá khoảng 750 đồng/kg. Tính ra như vậy để thấy nông dân không có lời nhiều. Đó là cái khó của nông dân. Song phía công ty cũng đang rất khó khăn khi giá thành sản xuất cao hơn bán ra. Cụ thể, giá thành sản xuất 12.000 đồng/kg đường nhưng giá bán buôn chỉ được 11.000 - 11.500 đồng/kg, sản xuất phải bù lỗ. “Công ty chúng tôi là công ty cổ phần, nhà nước không bù lỗ nên cũng không có cách nào tăng tiền hỗ trợ nông dân được. Đã bao tiêu thì cố gắng mua cho bà con. Hiện tại công ty bao tiêu 5.000 ha mía ở Hậu Giang và 2.500 - 300 ha ở U Minh Thượng”, ông Ngoan nói.

Theo Thanh Niên