Bạc Liêu: Góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

27/03/2020 - 16:43

Để đảm bảo ANLT trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo. Thủ tướng chỉ đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3-2020.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh tham quan trà lúa đông xuân ở huyện Hồng Dân.

Tăng sản lượng và chất lượng

ANLT là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, việc bảo đảm ANLT càng là vấn đề hệ trọng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ANLT nên qua các thời kỳ, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp gắn với duy trì, cải thiện chất lượng tình hình ANLT quốc gia, từng bước nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân. Việt Nam đã đảm bảo khả năng tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người đứng thứ 6 trên thế giới.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án ANLT trên địa bàn tỉnh, Bạc Liêu đã xây dựng và hình thành vùng sản xuất lương thực chủ yếu sản xuất lúa với diện tích gieo trồng tăng từ 150.111ha năm 2008 lên 189.154ha năm 2019 (tăng 23,79%); năng suất lúa tăng từ 4,98 tấn/ha năm 2008 lên 6,04 tấn/ha năm 2018 (tăng 21,29%). Sản lượng lúa tăng từ 748.119 tấn năm 2018 lên 1.143.079 tấn năm 2019 (tăng 50,31% so năm 2008). Bạc Liêu không xảy ra tình trạng thiếu đói lúc giáp hạt (giao mùa), đảm bảo vững chắc ANLT trên địa bàn tỉnh và góp phần đảm bảo ANLT quốc gia.

Để nâng cao chất lượng và sản lượng, tỉnh đã khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và lúa giống cấp xác nhận vào sản xuất, các quy trình kỹ thuật canh tác như “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, IPM, bón phân theo bảng so màu lá lúa, sản xuất theo hướng VietGAP được nông dân áp dụng rộng rãi. Từ đó giảm giá thành sản xuất, tăng thêm thu nhập cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để phục vụ tốt sản xuất, tỉnh đầu tư nhiều công trình thủy lợi như hệ thống đê sông dài 379km và bờ bao ngăn mặn dài 2.940km; 102 cống tưới tiêu; 33 kênh trục và kênh cấp 1 với chiều dài 720km; 304 kênh cấp 2 dài 1.616km; 753 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.736km; 3.141 kênh cấp 3, kênh nội đồng dài 3.402km; 31 trạm bơm nước và 269 ô thủy lợi khép kín...

Nhìn chung, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kênh trục, kênh cấp 1 và kênh cấp 2 đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định và tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A. Đối với vùng phía Nam QL1A thì còn hạn chế. Các công trình thủy nông nội đồng mới đáp ứng khoảng 90 - 95% đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định; khoảng 80 - 85% đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL1A; khoảng 75 - 80% đối với vùng Nam QL1A.

Tỉnh cũng đã xây dựng 28 cánh đồng lúa lớn với diện tích canh tác 17.932ha; có trên 40 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đại lý trong và ngoài tỉnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với tổng diện tích 53.474ha (tỷ lệ diện tích tăng từ 0,47% năm 2012 lên 28,27 % vào năm 2019); sản lượng lúa được bao tiêu 338.254 tấn (tăng từ 0,4% năm 2012 lên 29,47% vào năm 2019)...

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa Tài nguyên. Ảnh: M.Đ

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để góp phần đảm bảo vững chắc ANLT quốc gia và nhu cầu sử dụng lương thực trong tỉnh, một phần cho xuất khẩu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, thời gian tới tỉnh đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, tích hợp nội dung các quy hoạch ngành, lĩnh vực vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.600ha ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc QL1A.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cho biết: “Thời gian tới, tỉnh mở rộng sản xuất lúa trên đất tôm - lúa với diện tích 45.000 - 60.000ha ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL1A. Đồng thời đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn, ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng. Phát triển hệ thống trạm bơm nước trong các ô đê bao khép kín, từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương. Phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu. Đưa giống lúa  ST 24, ST 25 vào sản xuất trên đất lúa - tôm và vụ lúa hè thu năm 2020”.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung xây dựng cánh đồng lớn, phấn đấu nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững; xây dựng mối liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân; chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu lúa giống phục vụ sản xuất.

Khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu hạn và chịu mặn.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các chính sách tín dụng để đầu tư phát triển nông nghiệp và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Xúc tiến đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ và du lịch sinh thái. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng. Tăng cường mối quan hệ với các viện, trường đại học trong và ngoài nước về hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để tiếp thu các công nghệ mới và áp dụng vào thực tế sản xuất ở địa phương. Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển thị trường khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hộ gia đình, cá thể trong công tác phát triển kinh tế hộ, cá thể. Liên kết với một số doanh nghiệp, các hợp tác xã để liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các nông hộ. Đầu tư xây dựng mạng lưới cảnh báo, dự báo thiên tai, khí tượng thủy văn, theo dõi chặt chẽ quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng... Từ đó, xây dựng các phương án tổ chức ứng phó kịp thời.

Theo MINH ĐẠT (Báo Bạc Liêu)