Thu hoạch tôm biển ở Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc
Tận dụng thế mạnh của huyện biển đầy tiềm năng, Thạnh Phú phát triển đa dạng vật nuôi như tôm, cua, nghêu, sò, cá… với nhiều hình thức nuôi trồng và khai thác hiệu quả. Tổng diện tích nuôi 18.100ha, sản lượng nuôi đạt 27.430 tấn, tăng 8.488 tấn so với đầu nhiệm kỳ.
Con tôm được xác định là một trong 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 03 về xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Người dân cũng nhận thấy được lợi ích cao từ việc nuôi trồng thủy sản nên mạnh dạn đầu tư. Từ đó, diện tích mặt nước dành cho nuôi trồng thủy sản tăng nhanh. Tôm sú, tôm thẻ giống nhập tỉnh qua kiểm soát hàng năm cả tỷ con giống. Diện tích tôm thẻ chân trắng thâm canh thả nuôi hơn 2.600ha ở các xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Qui, An Thạnh, An Thuận, Mỹ An, Mỹ Hưng, Quới Điền… Ước diện tích thả nuôi tôm thâm canh hàng năm khoảng 3.500ha. Diện tích nuôi tôm quảng canh hơn 7.500ha, tôm lúa hơn 5.000ha, tôm rừng gần 800ha.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao bước đầu mang lại hiệu quả. Trong đó, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn cho năng suất cao, khoảng 50 - 90 tấn/ha mặt nước nuôi/năm, cao gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống. Giá trị nuôi bình quân mỗi héc-ta tăng gấp 3 - 4 lần so với nuôi thông thường. Đây là hướng đi mới cho nghề nuôi tôm biển trên địa bàn. Bởi vừa đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản ổn định, vừa chủ động giảm thiệt hại do xâm nhập mặn, khô hạn, nắng nóng.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi xen như tôm càng xen trong ruộng lúa theo mô hình tôm - lúa, hay mô hình nuôi tôm xen trong vườn dừa phát triển nhanh, tùy theo vùng nuôi trồng. Diện tích nuôi tôm càng xanh khoảng 1.000ha (trong đó nuôi chuyên khoảng 330ha) tập trung chủ yếu ở xã Mỹ An, sản lượng thu hoạch khoảng 1.700 tấn. Mô hình nuôi cua xen trong ao đầm, nuôi tôm sú phát triển khá, sản lượng thu hoạch khoảng 1.500 tấn. Đây là những mô hình kinh tế được tỉnh chọn làm những mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững và phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn, làm nền tảng cho phát triển du lịch.
Ngoài ra, diện tích nuôi cá tại huyện 257ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm. Diện tích nuôi nghêu 550ha ở xã Thạnh Hải, sản lượng thu hoạch khoảng 1.610 tấn. Diện tích nuôi sò khoảng 50ha, ở xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, sản lượng thu hoạch ước khoảng 560 tấn.
Khai thác thủy sản tiếp tục phát triển. Hiện có 872 tàu cá, tăng 212 tàu, trong đó có 95 tàu đánh bắt xa bờ, tăng 55 tàu so với đầu nhiệm kỳ. Hầu hết các tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm đạt 13.700 tấn. Cảng cá Thạnh Phú đã cơ bản cung ứng các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho hoạt động khai thác và tiêu thụ các sản phẩm khai thác hải sản. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 1.150 tấn/năm. Các hợp tác xã nuôi nghêu có lợi nhuận, diện tích nuôi 432ha. Sản lượng nghêu thịt khoảng 1.000 tấn/năm, doanh thu ước đạt 16 tỷ đồng/năm.
Kết quả bứt phá với vai trò mũi nhọn, 5 năm qua, kinh tế thủy sản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển khá toàn diện của sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của huyện, với giá trị sản xuất tăng bình quân 4,47%/năm.
Kinh tế thủy sản luôn được xác định mục tiêu và vai trò đóng góp quan trọng vào kết quả sau hơn 10 năm huyện biển Thạnh Phú thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo NHIÊN LUẬN (Báo Đồng Khởi)