Thưa ông, hiện tỉnh đã hoàn thành kế hoạch đề ra trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của năm, vậy ông đánh giá như thế nào về kết quả này ?
- Đến nay, tỉnh đã công nhận 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Đông Phước, Tân Long), nâng tổng số công nhận đến nay là 34/51 xã và ước thực hiện cuối năm là 35/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (công nhận thêm xã Vĩnh Thuận Tây) đạt 68,63% (tăng 3 xã, so với cuối năm 2020 và đạt 150% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh). Từ đầu năm đến nay cũng đã công nhận mới 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Hỏa Tiến, Trường Long Tây), lũy kế đến nay đạt 5 xã. Ước đến cuối năm công nhận thêm 1 xã (Long Trị A), nâng tổng số toàn tỉnh có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 3 xã so với cuối năm 2020 và đạt 100% kế hoạch năm 2021, đạt 100% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh). Công nhận 1 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu (ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy).
Cấp tỉnh có 104 sản phẩm OCOP được Hội đồng đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Sản phẩm OCOP cấp tỉnh có 104 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó, 48 sản phẩm 4 sao; 56 sản phẩm 3 sao; 1 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao), với 48 chủ thể đăng ký tham gia (trong đó, có 6 công ty; 10 hợp tác xã; 32 cơ sở, hộ kinh doanh). Có 2 sản phẩm thăng hạng từ 4 sao lên đủ điều kiện dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương (đã gửi hồ sơ đăng ký dự thi). Đạt và vượt so với kế hoạch UBND tỉnh giao năm 2021 là 40 sản phẩm, thực hiện 58 sản phẩm, đạt 145%.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo ông thì do đâu có được kết quả ấn tượng như trên ?
- Kết quả có được là do sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các các sở, ban, ngành có liên quan và địa phương triển khai thực hiện trong tình hình mới. Bước đầu đã khơi dậy được các sản phẩm OCOP, lợi thế của từng địa phương. Cơ quan tham mưu đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình NTM và Chương trình mỗi xã một sản phẩm, có chỉ tiêu và lộ trình cụ thể. Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và người dân trong triển khai, thực hiện chương trình. Phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu có tính chất quyết định đến kết quả thực hiện chương trình. Tập trung công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý chương trình các cấp và các chủ thể tham gia OCOP. Theo dõi thường xuyên tiến độ thực hiện chương trình tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Chủ động rà soát sản phẩm tiềm năng, các nội dung cần hỗ trợ hoàn thiện. Từ đó, vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ các chủ thể về bao bì, nhãn mác, trang thiết bị, máy móc... để hoàn thiện sản phẩm.
Đâu là kinh nghiệm trong xây dựng NTM và OCOP ở tỉnh trong suốt thời gian qua, thưa ông ?
- Một bài học xuyên suốt đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, với khẩu hiệu “Thống nhất - Tự giác - Hợp tác - Phát triển”. Phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Xây dựng kế hoạch từ đầu năm có lộ trình cụ thể góp phần thành công cho chương trình. Đưa chỉ tiêu công nhận sản phẩm OCOP vào chỉ tiêu thi đua kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thi đua phát triển sản phẩm của các địa phương. Nhiều cuộc xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tham gia trưng bày tại các kỳ hội chợ, triển lãm, các sự kiện quan trọng và trực tiếp trên sàn giao dịch điện tử.
Ông có nhận định như thế nào từ khi triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, cũng như các sản phẩm khi được công nhận OCOP cấp tỉnh ?
- Từ khi triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn được đông đảo người tiêu dùng và các đơn vị phân phối biết đến sản phẩm. Chương trình đã góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới (tiêu chí thu nhập, tiêu chí về tổ chức sản xuất...). Tạo thành phong trào thi đua giữa các địa phương trong phát triển sản phẩm trên địa bàn; các chủ thể đã chủ động hoàn thiện mẫu mã, bao bì, đầu tư trang thiết bị, máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, một số sản phẩm đã khẳng định vị trí trên thị trường.
Về sản phẩm, mẫu mã, bao bì, chất lượng được quan tâm cải thiện. Sản lượng bán ra tăng từ 1,5-2 lần so với chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP. Sản phẩm được các hệ thống kênh phân phối chính thống như siêu thị, bách hóa xanh... ưu tiên lựa chọn. Tạo một lượng lớn việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh kết quả đạt được thì chắc hẳn cũng có những khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng NTM và chương trình OCOP, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ?
- Tuy đạt và vượt theo Kế hoạch nhưng còn chậm so với yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc chưa được thường xuyên do tình hình dịch Covid-19. Vẫn còn một số địa phương chưa thật sự tập trung chỉ đạo triển khai chương trình. Nguồn vốn hỗ trợ chủ thể OCOP còn ít so với nhu cầu thực tế cần được hỗ trợ tại cơ sở trong nâng cấp, cải tiến và hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một số nhiệm vụ đột phá và chỉ tiêu trong xây dựng NTM và chương trình OCOP năm 2022 là gì, thưa ông ?
- Công nhận thêm 3 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 38 xã, đạt 74,5%. Công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 9 xã. Công nhận mới 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu có ít nhất 32 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên; chọn và hoàn thiện thêm 5 hồ sơ đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương.
Về nhiệm vụ đột phá sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch, điểm du lịch; nhóm thủ công mỹ nghệ. Có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 10% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương. Xây dựng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh…
Xin cảm ơn ông !
Theo NGỌC HƯỞNG (Báo Hậu Giang)