Cà Mau: Tên người ghép đôi thành tên đất

14/06/2024 - 15:10

Lần theo dấu chân người đi mở đất Cà Mau mới thấy, nhiều tên người đã hoá thành tên đất. Những cái tên như: Ông Ðịnh, Ông Do, Bà Bường, Bà Thanh... trên những ngã ba sông, những con rạch ở rừng đước Năm Căn, theo giải thích trong dân gian, đó là tên những người đầu tiên đến vùng đất này, được người sau gọi riết thành địa danh.

Lấy tên người đặt thành tên ấp, xóm có rất nhiều ở địa bàn tỉnh Cà Mau, nhưng lấy tên 2 người ghép lại thành tên xã thì dường như chỉ có ở huyện Thới Bình.

Khi Nam Bộ cùng cả nước bước vào giai đoạn thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến, rừng U Minh Hạ (bao gồm huyện Trần Văn Thời và Thới Bình, bấy giờ chưa có huyện U Minh) trở thành căn cứ Xứ uỷ Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam. Ðể đảm bảo phục vụ cho cuộc kháng chiến, nhiều xã ở rừng U Minh Hạ được thành lập; trong đó có 2 xã, Biển Bạch và Trí Phải, của huyện Thới Bình được ghép từ tên người.

Các xã Biển Bạch, Trí Phải là khu căn cứ kháng chiến năm xưa nay đạt nhiều thành tựu trong xây dựng quê hương. (Trong ảnh: Những hàng rào bông trang dài hàng chục mét được người dân trồng rất nhiều ở ấp Phước Hoà, xã Biển Bạch Ðông, tạo bộ mặt tươi mới cho làng quê). 

Ðể hiểu thêm về các địa danh này, chúng tôi lần dò hỏi thăm những cán bộ lão thành cách mạng, những lão nông cố cựu trên địa bàn. Tuy nhiên, vì địa danh hình thành khá lâu nên không mấy người rành rẽ việc này còn sống.

Dẫu vậy, qua thông tin góp nhặt thì được biết, địa danh Biển Bạch, Trí Phải được lấy tên của 4 liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.

Tên xã Biển Bạch được ghép từ tên của 2 liệt sĩ, là Lê Văn Biển và Lưu Thái Bạch. Xã Biển Bạch được thành lập năm 1949, trên cơ sở tách ra từ xã Thới Bình, được hội nghị cán bộ xã thống nhất lấy tên 2 liệt sĩ trên để đặt tên cho xã.

Còn Trí Phải là xã được ghép tên của 2 liệt sĩ, là Lê Phước Trí và Phan Văn Phải. Xã được thành lập năm 1950, trên cơ sở một phần của xã Thới Bình.

Lê Phước Trí quê ở Bạc Liêu, là cán bộ, công tác ở xã Thới Bình và hy sinh tại đây. Còn Phan Văn Phải là cán bộ tuyên truyền của xã Thới Bình, bị điềm chỉ và bị thực dân Pháp phục kích bắn chết sau khi đi họp từ huyện về. Liệt sĩ Phan Văn Phải hy sinh ngày 22/11/1946. Ông có 1 người con tên Phan Văn Sáng, lúc ông hy sinh, vợ ông mới mang bầu. Về sau, ông Phan Văn Sáng tham gia bộ đội, bị giặc bắt, tù đày ngoài Côn Ðảo. Sau ngày thống nhất đất nước, ông công tác ở Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.

Ông Phan Văn Hoài, 79 tuổi (hiện ngụ Ấp 10, xã Trí Phải) là cháu ruột gọi ông Phan Văn Phải bằng bác, cho biết, gia đình ông thờ phụng Liệt sĩ Phan Văn Phải hơn 50 năm. Sau này, khi nghỉ hưu, ông Phan Văn Sáng đã thỉnh cha ruột mình về nhà ông ở TP Hồ Chí Minh để thờ phụng.

Ông Phan Văn Hoài ngụ Ấp 10, xã Trí Phải, cháu ruột gọi Liệt sĩ Phan Văn Phải bằng bác, là người hiếm hoi có được thông tin tương đối đầy đủ về Liệt sĩ Phan Văn Phải.

Vợ Liệt sĩ Phan Văn Phải (bà Võ Thị Dương) về sau đi bước nữa và có 4 người con, trong đó có 2 người hy sinh. Bà được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện vẫn còn sống ở ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, bà nay đã 101 tuổi.

Việc lấy tên người đặt cho tên xã mang ý nghĩa ghi công những liệt sĩ hy sinh vì quê hương đất nước. Ðồng thời, lấy dũng khí của những người chiến sĩ cách mạng để cổ vũ Nhân dân tiếp tục đóng góp cho kháng chiến thắng lợi, cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

Chính ý nghĩa đó, sau khi được thành lập, các xã Biển Bạch, Trí Phải kiện toàn tổ chức Ðảng, xây dựng bộ máy chính quyền, phát triển các đoàn thể kháng chiến, phát động Nhân dân tinh thần yêu nước, góp phần xây dựng vùng căn cứ An toàn khu cho Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam.

Bia kỷ niệm Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Phân hiệu Nam Bộ) tại xã Trí Phải.

Trí Phải, Biển Bạch, những tên người đã hoá thành tên đất. Vùng đất, con người nơi đây vinh dự và tự hào đã nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cơ quan kháng chiến, như: cơ quan Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Sở Y tế Nam Bộ, Ðài Tiếng nói Nam Bộ, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Phân hiệu Nam Bộ)... Riêng Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Phân hiệu Nam Bộ) đã mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cho hơn 1.500 cán bộ, sĩ quan phục vụ cho các tỉnh Nam Bộ, từ đây có 5 người được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, trong đó có Anh hùng phi công Lâm Văn Lích quê ở Cà Mau.

Từ mảnh đất Trí Phải, Biển Bạch (Thới Bình) Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành cùng với cán bộ, nhân viên Sở Y tế Nam Bộ đã bào chế thành công thuốc Filatov, giúp nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân vượt qua bệnh tật, đặc biệt là bệnh sốt rét vốn hoành hành dữ dội bấy giờ.

Trong cuốn sách “Căn cứ Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam ở U Minh, giai đoạn từ 1949 đến cuối 1955”, đã in nhiều hồi ký của cựu học sinh Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Những trang hồi ký đã ghi lại tình đất, tình người ở vùng căn cứ này thời kháng chiến đầy xúc động.

Cũng trên mảnh đất này, đã đón tiếp rất nhiều cán bộ, bộ đội các tỉnh Nam Bộ về chuẩn bị tập kết ra Bắc, năm 1954. Cây vú sữa từ bên bờ kênh xáng Chắc Băng, thuộc xã Trí Phải, của má Lê Thị Sảnh gửi ra Bắc, được Bác Hồ trồng bên nhà sàn, trở thành biểu tượng cao đẹp của Nhân dân miền Nam với Bác Hồ và Bác Hồ với Nhân dân miền Nam.

Hơn hơn 70 năm thành lập, trong thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, 2 xã Biển Bạch và Trí phải được chia tách, sáp nhập nhiều lần.

Xã Trí Phải hiện nay là Trí Phải và Trí Lực. Lực cũng là tên của chiến sĩ Vệ quốc Ðoàn, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được ghép cùng tên Trí để đặt tên cho xã mới; xã Biển Bạch, nay là 3 xã: Biển Bạch, Tân Bằng  và Biển Bạch Ðông. Năm xã này được Nhà nước xét công nhận xã “An toàn khu” trong 2 cuộc kháng chiến và 5 xã này đều đạt chuẩn xã nông thôn mới trong thời kỳ xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.

Theo CHUNG THANH THỦY (Báo Cà Mau)