Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, vừa gửi báo cáo đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang có hàng nằm chờ tại cảng.
Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, hiện nay, 41 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố đang dự trữ phục vụ kinh doanh khoảng 86.000 tấn lúa và 359.411 tấn gạo.
Hợp đồng ký kết phải giao khoảng 217.000 tấn; trong đó, số lượng đã được chuyển đến cảng khoảng 26.000 tấn (chưa mở tờ khai hải quan).
Thị trường chủ yếu là Indonesia, Philipines, Malaysia, Nga, Mỹ…
Ngày 10-4, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn và có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4.
Khi Tổng cục Hải quan mở cửa hệ thống khai báo trở lại cho xuất khấu gạo thì đến sáng ngày 12-4, các doanh nghiệp tại Cần Thơ phản ánh Tổng cục Hải quan thông báo số lượng gạo khai báo đã lấp đầy 400.000 tấn.
Do đó, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa thực hiện mở tờ khai hải quan để thông quan xuất số hàng đang nằm chờ tại cảng.
Việc này đã hưởng lớn đến các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, uy tín của doanh nghiệp và cân đối tài chính.
Chi phí phát sinh trong quá trình hàng chờ tại cảng như: phí lưu container, lưu bãi (khoảng 300.000 đồng/container 25 tấn/ngày), tiền phạt chậm giao hàng, vốn bị đọng, không có tiền để trả cho nông dân trong khi họ đã đặt cọc tiền mua lúa vụ tới, tiền lãi suất, đáo hạn ngân hàng...
Chỉ tính riêng chi phí lưu bãi, lưu container, tiền phạt, tiền đóng công... đã thất thoát từ 260-350 triệu đồng mỗi ngày, tùy vào số lượng hàng nằm tại cảng của mỗi doanh nghiệp.
Điều này đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.
Sở Công Thương thành phố Cần Thơ đề xuất việc ưu tiên mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu đang kẹt ngoài cảng cho 10 doanh nghiệp với số lượng 25.965 tấn (từ ngày 23-3 đến ngày 30-3); thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu phải giao tháng 4-2020 cho 14 doanh nghiệp với số lượng 50.000 tấn (từ ngày 1-4 đến 10-4).
Từ ngày 10-4 trở về sau, việc thực hiện thông quan phải theo quy định của Chính phủ.
Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Cần Thơ cũng có đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp (lần 2) gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan khác đề nghị xem xét giải quyết gấp vấn đề khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020.
Trong đó, Tổng Giám đốc Công ty Trung An Phạm Thái Bình cũng kiến nghị hủy toàn bộ tờ khai hải quan từ ngày 11-4 đến nay.
Hải quan cho các doanh nghiệp khai tiếp những lô đang khai dở dang và thông quan hết toàn bộ số lượng gạo đã nằm trên cảng (dự kiến thực tế không vượt 250.000 tấn).
Sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc cho phép xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4-2020, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4.
Tại văn bản này, nguyên tắc quản lý hạn ngạch được quy định là thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước và số lượng sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long vui mừng đón nhận thông tin này.
Tuy nhiên, theo Công ty Trung An, khi thực hiện đăng ký tờ khai hải quan trực tuyến thì gặp trục trặc, doanh nghiệp không thực hiện được dù đã cử nhân viên túc trực trên máy tính suốt cả ngày 11-4.
Đến sáng ngày 12-4, một số doanh nghiệp tiếp tục truy cập vào đăng ký thì số hạn ngạch 400.000 tấn gạo đã được đăng ký hết vào lúc rạng sáng cùng ngày.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát (thành phố Cần Thơ) cho biết, hiện giá gạo đang nằm ở đỉnh, nếu doanh nghiệp xuất được thì cũng sẽ mua lúa với giá cao cho nông dân, khi mà vụ Hè Thu đang chuẩn bị thu hoạch.
Đây cũng chính là thời điểm vàng để bán gạo bởi khi giá "tụt" trở lại thì sẽ rất khó khăn.
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ là chất lượng hạt gạo mà còn là uy tín làm ăn của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này.
Khi ký hợp đồng mà không giao hàng, ngoài chuyện bị phạt vì vi phạm hợp đồng thì còn ảnh hưởng đến cả uy tín và thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế./.
Theo THANH LIÊM (TTXVN/Vietnam+)