Đặc sản vùng, miền vào mùa phục vụ Tết

27/11/2020 - 09:20

 - Hàng năm, vào thời điểm cuối tháng 10, các mặt hàng đặc sản vùng, miền như: khô cá lóc, cá sặc bổi, khô bò, khô gà, lạp xưởng bò, lạp xưởng heo, bánh phồng, bánh tráng bắt đầu khởi động cho mùa phục vụ Tết.

Mặt hàng phong phú

Khảo sát tại các cơ sở sản xuất hàng đặc sản mang tính đặc sản vùng, miền, điều dễ nhận ra là các mặt hàng sản xuất để phục vụ Tết Tân Sửu năm nay rất đa dạng, phong phú. Ngoài các loại khô cá, khô bò, khô trâu, khô gà, lạp xưởng (các loại), người làm hàng phục vụ Tết còn chuẩn bị nhiều loại gạo thơm, gạo đặc sản để phục vụ người tiêu dùng.

Hiện, ngoài thực phẩm cho ngày Tết, nông dân trong tỉnh đã trồng các loại hoa, trái cây như: dưa hấu có khắc chữ tài, lộc; bưởi da xanh có chữ nổi trên da cũng được chuẩn bị. Tất cả cho cái Tết sum vầy, đầm ấm.

“Một năm, những người làm hàng đặc sản như chúng tôi chỉ mong vào mùa Tết. Bởi mùa này, ngoài phục vụ nhu cầu ăn uống, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh còn có nhu cầu mua sản phẩm để làm quà tặng bạn bè, người thân, đây là một phân khúc rất lớn chúng tôi không thể bỏ qua, vì vậy năm nào vào thời điểm này là chúng tôi thông báo cho khách hàng, cơ sở tiến hành nhận đơn hàng phục vụ Tết. Những đơn hàng đặt trước ngày 1-11 hàng năm được giảm giá 5% so hàng hóa đặt sau đó. Việc này có ý nghĩa rất lớn bởi đặt sớm để chúng tôi chủ động chuẩn bị nguyên liệu”- chị Trần Thị Lài (Cơ sở sản xuất khô cá lóc xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu, An Giang), chia sẻ.

Các cơ sở chế biến khô cá trong tỉnh đang hướng đến chất lượng để phục vụ người tiêu dùng

Cơ sở sản xuất khô của chị Lài sản xuất rất nhiều loại khô, ngoài cá lóc, cá sặc bổi, cơ sở còn sản xuất khô cá trạch, cá chốt, cá lăng cùng nhiều loại cá khác để phục vụ nhiều phân khúc khách hàng. Nếu khô cá sặc bổi (loại cắt đầu) có giá từ 340.000 - 350.000 đ/kg phục vụ cho khách có nhu cầu làm quà tặng thì khô cá lóc có giá từ 290.000 đ - 300.000 đồng/kg phục vụ cho các bữa ăn gia đình trong ngày Tết.

Ngoài thức ăn, năm nay hàng hóa phục vụ Tết còn có các loại thức uống rất đa dạng, đặc biệt là các loại rượu được sản xuất bằng các loại cây, rễ, trái  ở vùng đồng bằng và miền núi như: rượu đinh lăng ở Châu Phú, rượu cà na ở Tịnh Biên hay rượu chuối hột ở Châu Thành. Mỗi loại đều mang đậm hương vị đặc trưng của một vùng đất, một miền quê để ngày Tết ngồi nhâm nhi, ôn lại chuyện xưa, chuyện nay.

Chất lượng nâng lên

Đặc sản vùng, miền vào mùa phục vụ Tết, vì vậy các cơ sở sản xuất hàng đặc sản hiện đang khẩn trương chuẩn bị nguyên liệu, bao bì để làm ra sản phẩm chất lượng tốt nhất. “Hàng hóa bây giờ muốn đưa ra thị trường, ngoài mẫu mã bao bì thì chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu bởi tính cạnh tranh của mỗi mặt hàng hiện nay rất cao. Cụ thể, cũng sản xuất lạp xưởng bò nhưng ở vùng Châu Phong này có rất nhiều người làm, đòi hỏi hàng phải chất lượng thì bán mới được” - chị A Náp (Chủ cơ sở Sản xuất lạp xưởng bò, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Tung lò mò, đặc sản của người Chăm sản xuất

Lạp xưởng bò, tiếng Chăm gọi là tung lò mò, đây là một mặt hàng đặc sản của địa phương do người Chăm sản xuất, chất liệu làm nên lạp xưởng là thịt bì vụn, thịt nạc và gia vị. Những năm gần đây, giao thông phát triển, từ Châu Phong, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng có thể gửi sản phẩm đi khắp nơi trong cả nước, vì vậy lạp xưởng bò của bà con người Chăm Châu Phong được đưa đi khắp nơi trong cả nước, phục vụ người tiêu dùng ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc.

“Tất cả sản phẩm sau khi phơi xong phải được đóng gói, hút chân không, dán nhãn và gửi đi. Có làm như vậy thì mới bán được. Hiện nay, nếu lạp xưởng mang gói giấy báo như cách đây 10 năm thì sẽ khó bán” - chị A Náp tâm sự.

Đặc sản vùng, miền vào mùa phục vụ Tết trong không khí rất khẩn trương. Năm nay, dịch COVID-19 vẫn còn nên thị trường nước ngoài của các loại sản phẩm này bị giảm đi một nửa. Các cơ sở sản xuất hàng đặc sản đang trở lại thị trường nội địa để phục vụ người tiêu dùng trong nước. Cái khó của sản phẩm đặc sản vùng, miền hiện nay là đa phần phân phối qua kênh truyền thống, còn kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích thì khó vào vì phải chịu mức chiết khấu, chi phí gia nhập thị trường rất lớn.

Đây là một thực tế khiến đặc sản vùng, miền vẫn còn tiêu thụ nhiều trong làng, xã. Giải quyết được bài toán này bằng các chính sách khuyến khích, bằng việc giảm mức chiết khấu khi hàng đặc sản vào siêu thị sẽ giúp các loại đặc sản vùng, miền có thị trường tiêu thụ tốt hơn.

Bài, ảnh: MINH HIỂN