Đâu là mô hình kinh tế mới cho ĐBSCL?

16/12/2020 - 13:47

Mô hình kinh tế truyền thống dựa chủ yếu vào nông, thủy sản sẽ không giúp đưa kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) "bứt phá". Do đó, cần phải hình thành một mô hình kinh tế mới để thúc đẩy vùng này phát triển. Vậy, đâu sẽ là mô hình kinh tế mới cho ĐBSCL?

Mô hình kinh tế dựa vào lúa gạo, thuỷ sản như hiện nay rất khó đưa kinh tế ĐBSCL "bứt phá". Ảnh: Trung Chánh

Tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 diễn ra vào hôm nay, 14-12, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Trưởng ban biên soạn báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 đã chỉ ra rất nhiều thách thức mà khực vực ĐBSCL đang phải đối mặt.

Theo đó, về tài nguyên đất, nước và môi trường, thì khu vực này bị nước biển dâng và xâm nhập mặn; hình thành các đập thuỷ điện ở thượng nguồn dẫn đến suy giảm chất lượng và khối lượng nước về ĐBSCL. Trong khi đó, chính sách canh tác bất cập kéo dài đang “bào mòn” sức sống của ĐBSCL.

Về lao động, theo ông Anh, vùng thiếu cả số lượng và chất lượng; giáo dục đào tạo thì thuộc nhóm thấp nhất cả nước; di cư trên diện rộng, đặc biệt là giới trẻ. Theo đó, báo cáo kinh tế ĐBSCL đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2009-2019, dân số của vùng ĐBSCL hầu như không đổi do vùng có tỷ lệ xuất cư thuần cao nhất cả nước, âm đến 39,9%. Điều này, được xác định là do thiếu cơ hội việc làm cũng như cơ hội kinh tế địa phương.

Còn về nguồn lực đầu tư, thì nền tảng thu hút đầu tư tư nhân (đầu tư nước ngoài (FDI) và nội địa) kém, trong khi tỷ trọng đầu tư nhà nước giảm.

Về nội dung này, báo cáo nhấn mạnh rằng: trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống của vùng là lúa gạo, thủy sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng tới hạn, thì các động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu ớt, thậm chí chưa hình thành. “Đây là lý do chính khiến các địa phương ĐBSCL trăn trở với bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng”, báo cáo nhấn mạnh.

Trong khi đó, với thách thức về khoa học- công nghệ, báo cáo nhấn mạnh rằng, đây là “cú sốc” không chỉ với ĐBSCL mà còn cho cả Việt Nam, thậm chí toàn cầu. “Là vũng trũng về công nghệ lại đang dựa chủ yếu vào nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, có công nghệ lạc hậu, những cú sốc này sẽ tạo ra rất nhiều thách thức cho ĐBSCL”, báo cáo nhấn mạnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ ra rằng, vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. “Nếu so với TPHCM, thì vào năm 1990, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của địa phương này chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL, thì hai thập niên sau, tỷ lệ này hoàn toàn ngược lại, tức TPHCM chiếm 3/2 ĐBSCL”, ông Nghĩa dẫn chứng.

Từ những khó khăn và thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 nhấn mạnh rằng: nếu không có những yếu tố đột biến, mô hình mới, thì rất khó để ĐBSCL bứt phá đi lên mạnh mẽ.

[Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Trưởng ban biên soạn báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh]
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Trưởng ban biên soạn báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh

“Vậy mô hình tăng trưởng mới cho ĐBSCL là gì?”, ông Tự Anh nêu câu hỏi và gợi ý, mô hình tăng trường mới phải dựa trên bốn trụ cột, gồm kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị.

Ông Anh gợi ý, định hướng chiến lược phát triển của vùng phải chú trọng bền vững lâu dài, thay vì lợi ích trước mắt; phải tập trung thay vì phân tán; chú trọng chất lượng thay vì số lượng; chú trọng thị trường thay vì thuần tuý sản xuất; chú trọng linh hoạt thay vì cứng nhắc, áp đặt.

Ông Anh cũng chỉ ra rằng, định hướng chiến lược phát triển của vùng phải đặt trong mối quan hệ kết nối với TPHCM và vùng Đông Nam bộ. Bởi, Đông Nam bộ đóng góp đến khoảng 40-45% cho kinh tế quốc gia, trong đó, TPHCM chiếm hơn 50%. “Trong 10 năm tới, kết nối của ĐBSCL với khu vực và quốc tế vẫn chủ yếu phải qua cửa ngõ Đông Nam bộ”, ông cho biết.

Theo ông Anh, các địa phương trong vùng cần có cơ chế liên kết, hợp tác và điều phối vùng. Bởi, những thách thức lớn nhất ở ĐBSCL là thách thức chung của toàn vùng, chỉ có thể giải quyết bằng cơ chế điều phối vùng thật sự hiệu lực và hiệu quả.

Theo đó, ông Anh gợi ý, cơ chế điều phối cần có quyền lực tài khoá, quy hoạch, đầu tư và nhân sự; phải vì lợi ích chung cho toàn vùng, chứ không bị chi phối bởi lợi ích có tính cục bộ của từng địa phương riêng biệt. “Phải khắc phục được tình trạng mạnh ai nấy chạy như hiện nay”, ông nhấn mạnh.

Theo TRUNG CHÁNH (thesaigontimes.vn)