Để nhà vườn không còn phải "bơi" theo giá trái cây?

22/09/2020 - 09:15

ĐBSCL có hơn 300.000ha cây ăn quả, với sản lượng gần 4 triệu tấn/năm, được xem là vùng cây ăn quả lớn nhất nước. Thế nhưng mỗi năm đến mùa trái chín, nhà vườn lại lo âu không biết giá trái cây sẽ ra sao, bởi họ chỉ biết trồng chứ không quyết định được giá cả đầu ra, phó mặc cho thị trường.

Thanh long cuối vụ bán tại BigC Cần Thơ với giá cao gần gấp 10 lần so với chính vụ.

Chưa năm nào nhà vườn ĐBSCL gặp khó khăn như năm nay. Trái cây đón thiệt hại kép là vừa bị hạn mặn xâm nhập, cây trái khô héo, vừa bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 không xuất khẩu được, rớt giá thê thảm. Nhiều loại trái cây giảm giá đến 50-70%, nhà vườn lao đao theo đại dịch COVID-19. Chưa bao giờ nhà vườn  ĐBSCL phải gặp đại họa như vậy.

Hồi đầu mùa dịch COVID-19, chúng tôi gặp, ông Ngô Văn Hậu, chủ vườn ven đường Nam Sông Hậu (An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cho biết do xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc gặp khó khăn, các chủ vựa không mua trái cây nên thương lái cũng không đến vườn mua. Ông Hậu bộc bạch: "Năm ngoái, mùa này bán trái cây tiền vô thấy ham. Mít 60.000-70.000 đồng/kg, vú sữa 15.000-20.000 đồng/kg. Năm ngoái, có người ở xóm tôi bán trái mít hơn 30kg, giá 60.000 đồng/kg, tính ra một trái mít bán được gần 2 triệu đồng…

Nhưng mấy tháng trước, không chỉ có mít mà dưa hấu, thanh long, chôm chôm... cũng đổ đầy ra các vỉa hè TP Cần Thơ bán giá rẻ bèo. Thanh long loại trái nhỏ bán 3kg chỉ có 10.000 đồng, loại lớn 8.000 đồng/kg, chôm chôm thường 5.000-8.000 đồng/kg,... Hệ thống siêu thị BigC, Mega Market, Saigon Co.opMart, Vinmart,… cùng với nhiều ngành đã tham gia "giải cứu" dưa hấu, thanh long… cho nông dân ở nhiều địa phương. Tại BigC Cần Thơ bán thanh long ruột đỏ miền Tây 10.900 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ 4.200 đồng/kg… Nhiều mạnh thường quân ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, còn bỏ tiền ra mua hàng tấn dưa hấu tặng cho người tiêu dùng nhằm "giải cứu" cho người trồng dưa hấu...

 Khi COVID-19 hoành hành, Trung Quốc không nhập khẩu mít, nhà vườn trồng mít ở huyện Châu Thành, nơi được xem là xứ sở mít tỉnh Hậu Giang, với khoảng 1.500ha (toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 5.500ha trồng mít) chỉ bán được 4.000-5.000 đồng/kg đều thất vọng, nhà vườn cắt trái bỏ để dưỡng cây, có nhà vườn chặt cả mít để trồng cây khác. Giá trái cây sụt giảm tới đáy rồi cũng bật lên. Khoảng 4 tháng trước, mít của Châu Thành thê thảm như vậy nhưng bây giờ về lại đây giá mít đã tăng lên 10 lần so với đợt COVID-19 lần đầu năm...

Nhưng hiện nay mùa trái cây vùng ĐBSCL đã vào cuối vụ nên dù giá bật tăng mạnh trở lại như các loại trái cây bán tại siêu thị BigC Cần Thơ, như: sầu riêng RI 6 79.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 36.900 đồng/kg, ruột trắng 32.900 đồng/kg, dưa hấu 13.200 đồng/kg... Nhưng tiếc rằng rất ít nhà vườn có trái cây tới mùa thu hoạch để bán.

Hơn 5 năm trước, Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu đã được phê duyệt. Theo đó,  đến năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 có trên 300.000ha trồng cây ăn trái và sản lượng đạt 3,8 triệu tấn. Trong đó, trồng tập trung 9 nhóm cây ăn trái chủ lực cây có múi (cam, quýt, bưởi), xoài, sầu riêng, vú sữa, thanh long, dứa, chuối, nhãn, chôm chôm... khoảng 185.000ha. Mỗi tỉnh phát triển 2-3 loại cây ăn quả chủ lực có lợi thế theo vùng tập trung áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng các biện pháp rải vụ để nâng cao giá bán cũng như các biện pháp bảo quản tiên tiến để giảm bớt tổn thất sau thu hoạch. Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm cây ăn trái chủ lực có khả năng xuất khẩu như bưởi, xoài, vú sữa, dừa và chuối. Đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến trái cây...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch như vậy nhưng phát triển vườn cây ăn trái vùng ĐBSCL vẫn tự phát. Nhà vườn nay trồng cây này mai trồng cây kia, trồng rồi chặt, chặt rồi trồng. Nhà vườn phải cam chịu mai rủi của thị trường, phải tự lênh đênh bơi theo "sóng" giá cả trái cây. Trái cây tăng giá nhà vườn được nhờ, còn sụt giá đành chịu chứ có giải pháp bền vững nào.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vườn cây ăn trái ĐBSCL có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng chưa được đầu tư và khai thác đúng tầm. Nếu được quy hoạch sản xuất theo hướng chuyên canh đặc sản trái ngon, giá trị cao thì đem lại nguồn lợi đáng kể cao hơn nhiều so với trồng lúa. Theo các chuyên gia cây ăn trái của Viện Cây ăn quả Miền Nam, thì tồn tại trong sản xuất trái cây còn rất nhiều nên đã gây trở ngại cho phát triển cây ăn trái. ĐBSCL có nhiều trái ngon nhưng nghịch lý là thị trường tiêu thụ bấp bênh. Năng lực cạnh tranh trái cây nơi đây còn kém do không có vùng chuyên canh với diện tích lớn. Do không có vùng chuyên canh nên năng suất thấp, giá thành cao dẫn đến trái cây vùng ĐBSCL đang đắt hơn so với trái cây cùng loại từ Thái Lan, Trung Quốc…

Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, một trong những giải pháp để phát triển cây ăn trái ĐBSCL là cải  thiện tình hình hiện nay, phải thay đổi tận gốc, phải bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh lớn trái cây đặc sản với diện tích tập trung và lớn, ít nhất cũng 5.000-7.000 héc-ta cho một loại cây và có sự hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ, nhằm tăng số lượng cung cấp, ổn định về chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chỉ có chuyên canh thì mới tăng được năng suất, bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, mới có được một thương hiệu chung thì trái cây ĐBSCL mới đủ sức cạnh tranh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng trái cây vùng ĐBSCL phải chấp nhận cuộc chơi của kinh tế thị trường. Nhà vườn phải theo quy luật cung cầu, không thể tự ý muốn trồng loại cây gì thì trồng và bán những thứ thị trường cần chứ không phải bán những gì mình có. Trái cây ĐBSCL sẽ phát triển bền vững hơn khi nơi đây có nền công nghiệp sản xuất, bảo quản tồn trữ và chế biến trái cây, hình thành được chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu trái cây, khi đó nhà vườn gắn kết với doanh nghiệp cùng hội cùng thuyền vươn ra biển lớn...

Theo HUỲNH BIỂN (Báo Cần Thơ)